Ngày 4-3, Trung Quốc chính thức khai mạc kỳ họp lưỡng hội, mở đầu với việc Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa 14 - cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc - khai mạc kỳ họp thứ 2 tại Bắc Kinh, theo Tân Hoa xã.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 của Ủy ban toàn quốc CPPCC khóa 14 tại Đại lễ đường nhân dân.
Ông Vương Hỗ Ninh, chủ tịch Ủy ban toàn quốc CPPCC, đọc báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ CPPCC tại phiên họp.
Cùng với đó, ngày mai (5-3), kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 sẽ khai mạc.
Trong bài bình luận đăng ngày 4-3, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) viết: "Lưỡng hội đóng vai trò là 'phát súng khởi đầu' để Trung Quốc tiến lên trong năm mới".
Giải thích về "lưỡng hội", Tân Hoa xã năm ngoái dẫn lời một người Mỹ: "Tôi là một người Mỹ đã sống ở Trung Quốc được 4 thập niên.
Theo quan điểm của tôi, "lưỡng hội" là cánh cửa sổ quan trọng để tìm hiểu về sự phát triển hiện tại của Trung Quốc, hiểu hệ thống chính trị của Trung Quốc và dự đoán con đường tương lai của nước này.
Trong giai đoạn này, người nước ngoài có thể tìm hiểu những chủ đề nóng nào đang được thảo luận, vấn đề nào khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhất, những mục tiêu phát triển nào đã được đặt ra, và cách Trung Quốc tương tác với các nước khác...".
Tại kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14 vào tháng 3-2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được bầu làm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952.
Theo Đài Al Jazeera (Qatar), năm nay kỳ họp lưỡng hội có thể bị chi phối bởi tình hình kinh tế của Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại, giảm phát, xuất khẩu giảm...
Một trong những sự kiện quan trọng cần theo dõi là việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đọc báo cáo công tác hằng năm, trong đó sẽ đánh giá những thành tựu của Chính phủ và đặt ra các mục tiêu cho năm 2024.
Theo dự đoán, ông Lý sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khoảng 5% cho năm 2024 và thảo luận các vấn đề nổi bật từ tỉ lệ sinh giảm của Trung Quốc cho đến tương lai của công nghệ và vấn đề quản lý trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc phá lệ sau kỳ họp lưỡng hội
Ngày 4-3, ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ không tổ chức họp báo sau khi kết thúc kỳ họp lưỡng hội lần này.
Ông Lâu giải thích quyết định hủy cuộc họp báo của Thủ tướng Trung Quốc được đưa ra vì sẽ có nhiều cuộc họp cung cấp thông tin về ngoại giao, kinh tế và sinh kế người dân của các bộ trưởng trong Chính phủ.
Theo Hãng tin Reuters, kể từ năm 1993, các thủ tướng của Trung Quốc luôn tổ chức họp báo sau kỳ họp lưỡng hội. Tại cuộc họp báo này, phóng viên trong nước và quốc tế có thể đặt ra cho thủ tướng Trung Quốc một loạt câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau. Như vậy, Trung Quốc sẽ phá lệ sau khoảng 30 năm.
TTCT - Sau kỳ họp lưỡng hội, Trung Quốc đã cho ra mắt dàn lãnh đạo mới, với nhiều thay đổi chính sách được trông đợi trong tương lai.