Tối 4-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Melbourne (Úc). Đây sẽ là một tuần bận rộn cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, khi ông tham gia Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm ASEAN - Úc rồi thăm chính thức Úc - chuyến thăm đầu tiên của ông đến nước này trên cương vị mới.
Vị thế đang lên của Việt Nam
Lịch trình hoạt động dự kiến dày đặc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đủ để làm nổi bật Việt Nam tại Úc và sự coi trọng, đánh giá cao của nước chủ nhà. Nhưng có cơ sở để người Úc dành sự tôn trọng như vậy.
Khái quát về chặng đường 50 năm giữa Úc và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã mô tả đó là "những bước tiến vượt bậc" khi vượt qua những khác biệt trong quá khứ để thiết lập quan hệ ngoại giao và bây giờ là quan hệ Đối tác chiến lược "với mức độ tin cậy chính trị rất cao, thậm chí được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay".
"Khi mối quan hệ giữa Úc và ASEAN ngày càng phát triển, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng về mối quan hệ với Việt Nam. Việt Nam có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của Úc", Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã từng bày tỏ như thế với báo chí Việt Nam trước thềm chuyến đi Úc của Thủ tướng.
Thật vậy, từ một nước nhận hỗ trợ và đầu tư từ Úc, Việt Nam cũng đang đầu tư và từng bước thiết lập sự hiện diện kinh tế tại Úc, trong các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh và Việt Nam đang cần. Tiêu biểu như các dự án của Tập đoàn TH (135 triệu USD), Tập đoàn An Viên (18 triệu USD ở Bắc Úc), Công ty VinFast với 20 triệu USD ở Melbourne...
Giáo sư Carl Thayer (Úc), một người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, tin rằng một số mục tiêu mà Úc đang theo đuổi với ASEAN cần có Việt Nam. Về chính trị, Úc mong muốn hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN bằng các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên bốn trụ cột là hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế.
"Nước Úc mong muốn hợp tác với Việt Nam để đạt được những mục tiêu này thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", giáo sư Carl Thayer nhận xét.
Cửa ngõ cho Úc vào Đông Nam Á
Việt Nam và Úc hợp tác trong hầu hết lĩnh vực hợp tác hiện nay giữa ASEAN và Úc. Nhưng còn một lĩnh vực tiềm năng mà hai bên vẫn chưa chạm đến và Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN khác trong hợp tác với Úc. Đó là khí hậu - một lĩnh vực không chỉ gói gọn trong các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu mà còn bao gồm năng lượng sạch, khai thác khoáng sản bền vững, giao thông thông minh...
Thông qua hợp tác của Việt Nam và Úc, các nước ASEAN khác ở hạ lưu sông Mekong có thể được hưởng lợi trong mục tiêu phát triển bền vững. Hoặc thông qua sáng kiến Aus4ASEAN nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng (P4I) để giải quyết nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về chính trị, trong khu vực, dù không phải là thành viên sáng lập, Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng tại ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm như Diễn đàn cấp cao Đông Á, ASEAN+6. Việt Nam và Úc cũng cùng chia sẻ nhiều giá trị, trong đó có coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề, thượng tôn luật pháp quốc tế và theo đuổi hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa các nước.
Quan hệ giữa Úc và ASEAN, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Phương (nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học New South Wales, Úc), là tốt đẹp nhất từ trước tới nay, không chỉ ở cấp độ ASEAN mà còn là song phương giữa Úc với từng nước. Trong bối cảnh hiện nay, ông Phương nhận định ASEAN có nhu cầu đa dạng hóa đối tác phát triển và an ninh để tránh phụ thuộc vào lưỡng cực Mỹ - Trung Quốc.
"Úc, cùng với các quốc gia tầm trung như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Ấn Độ có thể giúp ASEAN kiến tạo mạng lưới đa phương rộng lớn hơn, bền vững hơn cho nhiều mục tiêu khác nhau từ kinh tế tới an ninh.
"Úc cũng xem Đông Nam Á là khu vực phát triển cực kỳ năng động, mang lại nhiều lợi ích cho nước này và lại là láng giềng trong bối cảnh Canberra tăng cường các chính sách tầm khu vực", ông Phương nêu nhận định với Tuổi Trẻ.
Trong khi phần lớn lãnh đạo ASEAN đến để chào mừng cột mốc 50 năm quan hệ ASEAN - Úc, Việt Nam đã cùng Úc bước qua dấu mốc này vào năm ngoái và đang hướng tới một tương lai hợp tác, cùng phát triển trong 50 năm tới nhằm đem lại lợi ích không chỉ cho hai nước mà còn cho cả khu vực.
15%
Năm 1973, khi Việt Nam vẫn còn chưa là thành viên ASEAN và đất nước chưa trọn niềm vui, Úc đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến năm 1995, Hà Nội mới gia nhập ASEAN và đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Canberra trong khối, đặc biệt về thương mại.
Chẳng hạn, năm 2022 (thời điểm gần nhất có số liệu), thương mại hai chiều giữa ASEAN và Úc đạt 101,08 tỉ USD - cao hơn mức giữa Úc với Nhật Bản, Mỹ hay EU.
Trong năm đó, chỉ riêng Việt Nam - Úc là 15,7 tỉ USD - chiếm hơn 15% tổng kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Úc.
Tối 4-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã đến sân bay quốc tế Melbourne (Úc) dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc và thăm chính thức Úc.