Một sáng tháng 3, trời miền Bắc vẫn còn rét, nhưng nhiều người tại chợ đầu mối buôn sỉ quần áo lớn nhất miền Bắc, chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, vẫn kiên nhẫn chờ mua cho mình một ly nâu đá, đen đá tại tiệm cà phê dạo của anh Nguyễn Văn Hay, 39 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội.
Bán cà phê dạo cũng phải có đam mê
Vừa tất bật pha cà phê cho khách, anh Hay vừa kể ngày xưa là kỹ sư khai thác mỏ, chuyên khoan bắn nổ mìn ở Quảng Ninh, thu nhập khá, lương 15 triệu đồng/tháng, nhưng vì muốn gần vợ, gần con, anh nghỉ việc, bản thân mới bước qua tuổi 31.
Theo lời anh Hay, thời điểm đó, học xong Trường đại học Mỏ - Địa chất, trở thành kỹ sư là mơ ước của nhiều người trong làng, nhưng anh bỏ lại hết vì hạnh phúc gia đình. Nói là làm, anh gói ghém đồ đạc về Gia Lâm khởi nghiệp.
Nhưng đâu có con đường nào trải toàn hoa hồng, ngày đầu, anh phải vất vả tìm một công việc phù hợp. Vốn thích cà phê, anh học cách pha chế để bán cà phê dạo.
“Mới đầu, mình nghĩ ngay ra bán hàng gần chợ, nhưng sau không thấy hiệu quả, mình phải đi vòng ra tận bến xe Gia Lâm. Hồi đó, bán được một cốc cà phê là run lắm. Dần dần có khách quen, nhưng mình nghĩ nếu khách gọi mình mới đi thì rất vất vả, lời lãi không nhiều, thế là không đi nữa, đến gần chợ Ninh Hiệp bán hàng”, anh Hay hồ hởi kể.
Rồi dần dần, tiệm cà phê dạo trên chiếc xe Honda Dream cũ của anh trở nên nổi tiếng. Nằm lòng kỹ thuật, anh vừa trò chuyện với khách, vừa nhanh tay đổ sữa đặc, cà phê rồi chút đá lạnh, khuấy đều tay để bung bọt, mùi cà phê lan nhanh khiến ai cũng mong ngóng.
Anh đùa “ngày xưa mình bán bánh cuốn nên mới tay dẻo thế đấy”, khách đứng chờ mua cũng phải bật cười.
Dù bán lâu năm, có nhiều mối ruột, anh Nguyễn Văn Hay vẫn giữ công thức cũ, nhập nguyên liệu có nguồn gốc, không pha thêm hương liệu vì anh tâm niệm bán hàng lấy chữ "tín" làm trọng, bán nhiều thì lãi ít cũng được.
Không ngại chia sẻ bí quyết
Theo anh Nguyễn Văn Hay, gần đây, anh còn nhận dạy pha chế cà phê cho các bạn trẻ. Nhưng học nghề thì dễ, theo nghề mới khó, nhiều người học xong, mở sạp bán cà phê vỉa hè được vài hôm lại bỏ ngang.
“Nhiều bạn trẻ bỏ cuộc lắm, ai cũng nghĩ pha cà phê ngon, bán ở đường lớn là có khách, nhưng không dễ dàng vậy vì phải có thời gian để mọi người biết đến mình mà quay lại mua. Có bạn làm công ty ổn định, ra bán cà phê thấy vất vả, áp lực quá nên nghỉ, làm việc khác”, anh nói.
Kể thêm về kỷ niệm pha được cốc cà phê đầu tiên thế nào, ông chủ xe cà phê dạo nửa đùa nửa thật đêm đó anh pha liền 10 cốc cà phê. Cốc nào cốc đó có công thức riêng. Anh nếm tất cả để tìm hương vị ngon nhất, thơm nhất.
“Lúc ấy đêm rồi, vợ cứ trêu uống gì mà uống nhiều thế, rồi cứ tự nói một mình. Mình chỉ cười rồi cố nếm cà phê để xem vị nào ngon nhất. Có cốc đắng chát phải bỏ ngay. Nhưng đến một cốc uống ưng ý, uống 1 cốc, rồi đến cốc thứ 2 cảm giác vẫn thòm thèm, thế là phát hiện công thức riêng”, anh nói.
Đến tầm 9h, tiệm cà phê dạo của anh Hay vẫn nhộn nhịp kẻ đến người mua. Trung bình, hàng cà phê dạo này bán được 30-35 lít cà phê cô đặc/ngày, tính ra khoảng 300-400 cốc, giá từ 12.000-20.000 đồng/cốc. Doanh thu tiền triệu/ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo xã Phù Đổng, Gia Lâm cho hay anh Nguyễn Văn Hay là người vùng khác đến đây lập nghiệp song chăm chỉ, chịu khó bán cà phê dạo để mưu sinh. Theo vị này, anh có vợ là một cô giáo dạy tiếng Anh, có kinh tế, nhà cửa.
Đây có thể coi là "trái ngọt" cho lựa chọn bán cà phê dạo cách đây gần 10 năm của anh kỹ sư quê Hà Nội này.
Cà phê trở thành một thức uống thiết yếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam, tạo nên một phong cách thưởng thức riêng biệt.