Tại hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine, các chuyên gia Pháp đã đưa ra một ý tưởng khá táo bạo và mới mẻ là biến bán đảo Thanh Đa thành một công viên sinh thái.
Nói mới mẻ và táo bạo bởi từ trước tới nay TP.HCM luôn chủ trương biến Thanh Đa thành một đô thị hiện đại.
Suốt gần 50 năm qua, các chủ đầu tư đều nhìn bán đảo này dưới con mắt kinh tế, ai cũng muốn nó sẽ là một trung tâm kinh tế - tài chính, một khu dân cư đông đúc.
Vậy cái hay và mới của ý tưởng này là ở chỗ nào? Trong một cái nhìn tổng thể, họ đưa ra ý tưởng cần thiết phải giữ và xây dựng Bình Quới - Thanh Đa thành một công viên sinh thái đa chức năng, trong đó 50% diện tích của bán đảo (200/427ha) là mảng xanh và tự nhiên không can thiệp, không bê tông hóa, quy hoạch theo hướng tôn trọng và giữ gìn đặc tính địa chất, địa mạo, cảnh quan đặc thù khu vực.
Theo đó, cần bảo tồn bán đảo theo hiện trạng "nhiều tự nhiên, ít nhân tạo" để nước từ sông Sài Gòn xâm nhập càng nhiều càng tốt và không xây dựng quá nhiều đường trên bề mặt hay bê tông hóa bán đảo, cũng như không làm bờ kè; nhiều khu vực có thể sử dụng cáp treo, cầu bộ hành trên cao để không xâm phạm đến tự nhiên.
Nhìn chung, đó là một ý tưởng tốt trong bối cảnh TP.HCM có tỉ lệ công viên, cây xanh trên đầu người thấp nhất so với các thành phố khác ở Đông Nam Á. Nếu Bình Quới - Thanh Đa là hòn ngọc xanh, mật độ dân cư thấp, ít công trình cao tầng thì nó sẽ là điểm nhấn thu hút du khách quốc tế và trong nước vì ở khu vực trung tâm thành phố có quá ít chỗ chơi và thư giãn.
Dải sông Sài Gòn sẽ như là một dải lụa mềm mại dài hơn 80km với hai mảng xanh hai đầu là rừng ngập mặn Cần Giờ và rừng tái sinh Củ Chi.
Còn hòn ngọc xanh Bình Quới - Thanh Đa sẽ là điểm giữa giữ dải đô thị sinh thái kết hợp với kinh tế - văn hóa luôn trong trạng thái cân bằng, bởi nếu bê tông hóa Bình Quới - Thanh Đa sẽ tác động tiêu cực, làm thay đổi dòng chảy và hình thái học của dòng sông.
Đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, nhưng nó cũng đối mặt với quá nhiều thách thức. Một trong số đó là khu vực trung tâm TP.HCM không còn quỹ đất lớn nữa, chính vì thế Bình Quới - Thanh Đa là đất vàng, là kim cương theo đúng nghĩa đen của từ này.
Đây là nơi mà các nhà đầu tư săn đón bấy lâu hòng biến nó thành một đô thị hiện đại với những chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và như thế thì quả thật đó là nơi hái ra tiền.
Việc biến một hòn đảo gần 500ha thành công viên trong mắt rất nhiều người là "phí của trời", là bất thường.
Do vậy, việc biến nó thành một đảo công viên như Sentosa của Singapore cần có một nhãn quan chiến lược, nhận thức khoa học và quyết tâm chính trị rất lớn của nhiều đời lãnh đạo, hay nói một cách khác sức sống của đề án phải bền vững không theo nhiệm kỳ.
Nếu giữ được Bình Quới - Thanh Đa là một hòn đảo xanh như ngọc thì đó chính là đại phúc cho nhân dân thành phố.
Thành phố này từng có một cái hồ khá đẹp giữa lòng thành phố, nhưng vì sức mạnh của bất động sản quá lớn nên nó đã bị xóa sổ. Những người lớn tuổi may ra còn nhớ tên nó: hồ Kỳ Hòa.
Nhiều bạn đọc cho rằng còn gì tuyệt vời hơn khi biến bán đảo Thanh Đa trở thành công viên trong lòng thành phố. Bên cạnh sự ủng hộ, một số bạn đọc còn hiến kế để ý tưởng này sớm thành hiện thực.