Can thiệp dị dạng mạch máu bằng cách tiêm cồn của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) được công bố là 1 trong 12 thành tựu y khoa nổi bật Việt Nam năm 2023.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Đình Luân - trưởng đơn vị X-quang can thiệp, phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Ông cũng chính là người đưa kỹ thuật tiêm cồn chữa dị dạng mạch máu giúp nhiều bệnh nhân được điều trị thành công dị dạng mạch máu ngoại biên.
Tìm "phao" cứu cánh cho người bệnh
* Chúc mừng bác sĩ cùng cộng sự vừa đoạt giải thưởng thành tựu y khoa với kỹ thuật "tiêm cồn chữa dị dạng mạch máu". Từ đâu ông có ý tưởng này?
- Dị dạng mạch máu là những bất thường liên quan đến cấu trúc mạch máu, ước tính cứ 100 người sẽ có 1 người mắc phải.
Mạch máu là nguồn nuôi sống cơ thể có nhiệm vụ cung cấp máu cho các cơ quan và đưa máu trở về tim, do đó nếu bị dị dạng mạch máu có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Các triệu chứng của dị dạng mạch máu ngoại biên có thể gặp biến chứng như: đau tại vị trí bệnh, sưng, nặng hơn có thể gây hoại tử đầu chi, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.
Trước đây, điều trị bệnh lý dị dạng mạch máu ngoại biên có tỉ lệ điều trị thành công khá thấp, nhiều người phải khổ sở đi từ nơi này qua nơi khác, tìm đủ mọi phương pháp nhưng bệnh không khỏi.
Một số điều trị chẳng những không giúp chữa lành mà còn gây nhiều biến chứng. Chính điều này đã thôi thúc tôi cố gắng "tầm sư học đạo" nhằm giúp điều trị người bệnh.
* Các phương pháp điều trị trước đây là gì, tỉ lệ thành công ra sao, thưa ông?
- Bản thân dị dạng mạch máu cần phân biệt với u máu, vì nếu chẩn đoán không đúng sẽ điều trị không hiệu quả.
Trên thế giới, vào thập niên 1980, dị dạng mạch máu ngoại biên được điều trị bằng phẫu thuật lấy khối dị dạng. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ thành công với khối dị dạng nhỏ, nông; nếu khối dị dạng phức tạp, lan tỏa, tỉ lệ thành công thấp.
Bên cạnh phương pháp phẫu thuật, điều trị bằng thuốc có kết quả hạn chế. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, có một số thuốc "trúng đích" có tác dụng làm giảm kích thước dị dạng, tuy nhiên chỉ dừng ở mức còn đang nghiên cứu và tỉ lệ thành công vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, một phương pháp điều trị dị dạng mạch máu ngoại biên nữa là laser, nhưng chỉ có tác dụng với dị dạng mao mạch nằm ở bề mặt da, nếu dị dạng nằm sâu trong mô, tác dụng cũng khá thấp.
Cuối cùng là phương pháp can thiệp nội mạch. Có nhiều vật liệu làm xơ hóa hoặc tắc mạch, trong đó cồn tuyệt đối được xem là vật liệu gây xơ hóa mạnh, giúp điều trị tốt hơn dị dạng mạch máu ngoại biên.
* Các nước trên thế giới đã sử dụng phương pháp tiêm cồn chữa dị dạng mạch máu ra sao?
- Trên thế giới, dùng cồn tuyệt đối đã được áp dụng từ năm 1980. Tuy nhiên, có ít chuyên gia thuần thục sử dụng cồn, rất nhiều trường hợp tiêm cồn tuyệt đối không đúng kỹ thuật điều trị gây biến chứng nặng nề.
Do vậy rất nhiều nơi trên thế giới không dám sử dụng, khi dùng đòi hỏi người điều trị phải có kinh nghiệm, tay nghề cao.
Hàng trăm bệnh nhân thoát cảnh dị dạng mạch máu
* Ông và cộng sự đã tiếp cận phương pháp này bao lâu?
- Chúng tôi may mắn biết đến bác sĩ Wayne Francis Yakes (Hoa Kỳ), ông là một trong những chuyên gia hàng đầu sử dụng cồn tuyệt đối gây xơ hóa hoặc tắc mạch dị dạng mạch máu ngoại biên hiệu quả nhất, điều trị thành công nhiều trường hợp phức tạp trên thế giới.
Năm 2016, bác sĩ Yakes đã đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển giao kỹ thuật, chỉ dạy ê kíp X-quang can thiệp của bệnh viện. Trước đó ê kíp cũng có dịp được đào tạo ngắn hạn tại Trung tâm Dị dạng mạch máu Yakes, ở Colorado, Hoa Kỳ.
Sau nhiều năm được sự chỉ dạy của thầy Yakes, chúng tôi bắt đầu áp dụng đại trà điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Từ năm 2016 đến nay chúng tôi đã điều trị cho hơn 500 bệnh nhân các loại dị dạng mạch máu với tỉ lệ thành công lên đến hơn 90%, tỉ lệ tai biến cho người bệnh rất thấp chỉ dưới 2%.
Những biến chứng nhẹ có thể điều trị khỏi bằng dùng thuốc, nội khoa. Biến chứng nặng như áp xe chiếm dưới 0,1%.
* Sử dụng cồn liệu có gây nguy hiểm với người bệnh?
- Khi sử dụng cồn điều trị dị dạng mạch máu ngoại biên có chi phí chấp nhận được cho đa số người bệnh.
Người bệnh được thanh toán BHYT, chi phí chủ yếu phụ thuộc vào vật liệu sử dụng kèm, vào mức độ khó của bệnh lý dị dạng (dị dạng động tĩnh mạch khó hơn dị dạng tĩnh mạch).
Nếu hiểu bệnh lý, biết cách sử dụng đúng, cồn tuyệt đối là vật liệu điều trị rẻ tiền, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế tại Việt Nam.
* Thời gian tới, ông cùng các đồng nghiệp có hướng phát triển kỹ thuật này để chúng trở thành thường quy?
- Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp, các bệnh viện để giúp bệnh nhân. Tuy nhiên khi chuyển giao đòi hỏi phải có được những kiến thức cơ bản, hình thành ê kíp làm việc chuẩn, giúp giảm thiểu biến chứng.
Cồn tuyệt đối chỉ là vật liệu, sử dụng hiệu quả dựa vào kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết về mặt bệnh lý. Thầy Yakes đã nói với chúng tôi: "Sử dụng cồn không có lỗi, mà lỗi do chính chúng ta không hiểu hết về mặt bệnh lý dị dạng mạch máu".
Nguyên nhân nào dẫn đến dị dạng mạch máu?
Bác sĩ Nguyễn Đình Luân cho biết người ta thường nghĩ dị dạng mạch máu là bẩm sinh, tuy nhiên dị dạng mạch máu ngoại biên có thể do thứ phát sau một số tác nhân như: huyết khối, chấn thương…
Một số biểu hiện dễ nhận biết khi dị dạng mạch máu như: đau, biến dạng, sưng, đổi màu sắc da, hoại tử chỗ dị dạng, thiếu máu đoạn chi xa…
Dị dạng mạch máu dạng hang là tổ chức bất thường của mạch máu não nhỏ, thành mạch máu mỏng chứa đầy máu.