Một loạt đợt cắt giảm sản lượng bắt đầu vào tháng 11/2022 đã làm giảm sản lượng dầu thô khoảng 5,3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nguồn cung toàn cầu. Những hạn chế về nguồn cung này đã giúp đẩy giá dầu thô lên trong 18 tháng qua nhưng lại khiến Ả Rập Xê Út phải cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, gánh phần lớn chi phí.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khi làm như vậy, họ đã nhường lại thị phần cho các nhà sản xuất ngoài OPEC, bao gồm Mỹ và Canada, những nước dự kiến sẽ sản xuất ở mức kỷ lục trong năm nay.
Ben Hoff, chuyên gia về hàng hóa tại Société Générale cho biết: “Đối với Ả Rập Xê Út - quốc gia đã liên tục đầu tư hàng chục tỷ đô la mỗi năm vào các hoạt động thượng nguồn trong thập kỷ qua, công suất nhàn rỗi dẫn đến chi phí hàng ngày - nó cần phải được đưa trở lại hoạt động bình thường”.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang lạc quan về mối đe dọa này. Giá dầu Brent cũng đã ổn định kể từ khi việc cắt giảm được công bố lần đầu tiên vào cuối tháng 11, giao dịch ở mức từ 73 đến 84 USD/thùng, bất chấp căng thẳng ở Gaza và sự gián đoạn giao thông tàu chở dầu qua Biển Đỏ.
Nhưng Ả Rập Xê Út đang bị mắc kẹt giữa sự cạnh tranh quốc tế và tham vọng trong nước. Nước này đã đứng ngoài khi Mỹ và Iran tăng sản lượng vào năm ngoái.
Claudio Galimberti, Giám đốc nghiên cứu tại Rystad Energy cho biết, sản lượng của Mỹ đã tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 13,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023 trong khi sản lượng của Iran tăng lên mức trung bình khoảng 3,9 triệu thùng/ngày từ khoảng 3 triệu thùng/ngày một năm trước đó. “Đây là hai kẻ thù không đội trời chung của Ả Rập Xê Út khi nói đến sản xuất xăng dầu”, ông cho biết.
Đồng thời, các nhà phân tích cho rằng động thái của Ả Rập Xê Út tái tham gia cuộc cạnh tranh có thể khiến giá dầu giảm thêm và có khả năng cắt giảm các dự án nội địa đầy tham vọng của nước này.
Ả Rập Xê Út đã bắt tay vào một loạt chương trình chi tiêu lớn, từ các thành phố mới đến bóng đá để đa dạng hóa nền kinh tế, do đó cần mức giá dầu cao để có thể tài trợ cho những hoạt động này. Nếu nước này không cắt giảm sản lượng mạnh mẽ, giá dầu thô có thể đã giảm xuống mức thấp nhất là 65 USD/thùng. “Về cơ bản, Ả Rập Xê Út đang gánh vác toàn bộ thị trường và điều đó thật khó khăn, nhưng nếu không có họ thì điều đó còn đau đớn hơn”, ông Claudio Galimberti cho biết.
Vào tháng 1, Tập đoàn dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê Út đã tạm dừng kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất dầu của nước này, trong một động thái mà một số chuyên gia xem là sự thừa nhận rằng nước này đã có rất nhiều tiềm năng chưa được sử dụng.
Nitesh Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và kinh tế vĩ mô tại nhà cung cấp ETF WisdomTree cho biết, Ả Rập Xê Út kỳ vọng rằng Mỹ và các nhà sản xuất khác sẽ sớm giảm tốc độ sản xuất của họ.
“Các quốc gia cốt cán của OPEC sẽ thấy thị phần của họ được phục hồi theo thời gian, nhưng Ả Rập Xê Út cần quan tâm đến việc duy trì chi tiêu tài chính trong ngắn hạn trước tiên. Điều đó rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị của nước này”, ông cho biết.
Ả Rập Xê Út đã sử dụng sức mạnh chính trị và kinh tế của mình để buộc một số thành viên OPEC+ chia sẻ gánh nặng cắt giảm sản lượng. Nhưng trong khi các cam kết của Nga tương đương với việc cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, thì các thành viên khác lại giảm ít hơn nhiều và việc tuân thủ các mục tiêu sản lượng đã giảm còn chưa đồng đều. Angola đã rút khỏi OPEC vào tháng 12 vì vấn đề này.
Helima Croft, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại RBC Capital Markets cho biết, các quan chức năng lượng của Ả Rập Xê Út cảm thấy thoải mái về việc duy trì việc cắt giảm lâu hơn.
Bộ năng lượng Ả Rập Xê Út tuần qua cho biết rằng, sau tháng 6, mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sẽ được giảm “dần dần tùy theo điều kiện thị trường”.
Căng thẳng leo thang ở Gaza vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với sự yên tĩnh tương đối của thị trường dầu thô nhưng động thái tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện đã chuyển sự chú ý của các nhà giao dịch sang cuộc họp OPEC+ tiếp theo diễn ra vào đầu tháng 6.
Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan kỳ vọng OPEC+ sẽ bắt đầu dỡ bỏ việc cắt giảm nguồn cung từ tháng 7 khi nhu cầu từ châu Á quay trở lại trong nửa cuối năm nay. “Bây giờ chúng tôi đang xem xét không phải nếu mà là khi nào họ sẽ bổ sung lại số thùng dầu này”, ông cho biết.