vĐồng tin tức tài chính 365

Chìa khóa mở ngành công nghiệp bán dẫn

2024-03-06 10:39
Cơn khát nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện hữu từ vài năm gần đây. Ảnh: Shutterstock

Cơn khát nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện hữu từ vài năm gần đây. Ảnh: Shutterstock

Yếu tố then chốt

Tại chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1/2024, ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường cho biết, hiện tại, có 15 công ty bán dẫn sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam, nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân sự đủ năng lực. Không chỉ Việt Nam, mà Hoa Kỳ cũng đang thiếu trầm trọng nhân lực ngành bán dẫn.

Trước đó, trong 2 lần đến Việt Nam cuối năm 2023 để xúc tiến cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cũng nhấn mạnh, cơn khát nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện hữu từ vài năm gần đây. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực.

“Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo thêm nhân lực cho ngành này cũng là một trong những hướng đi quan trọng. Các bạn cần tìm hiểu xem mình đang mạnh ở điểm nào và tập trung cho điểm đó, như kiểm tra và đóng gói chip. Thiết kế chip cũng là một mảng hứa hẹn”, ông John Neuffer gợi ý.

Trong làn sóng chuyển hướng đặt cơ sở sản xuất bán dẫn vào một số nước châu Á đang diễn ra, nguồn nhân lực là yếu tố mà các nhà sản xuất quốc tế cân nhắc. Các trung tâm bán dẫn lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... cần khoảng 100.000 lao động lành nghề mỗi năm để đáp ứng những nhu cầu sản xuất vi mạch mới.

“Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bán dẫn và chip đang khảo sát đầu tư ở Bắc Giang. Các nhà đầu tư có đòi hỏi về lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, tỉnh tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm”, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho hay.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, nhân lực ngành vi mạch bán dẫn là yếu tố then chốt đảm bảo thành công của chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia. Hiện có 10 trường đại học lớn trên cả nước đào tạo các ngành phù hợp và ngành gần, với quy mô khoảng 80.000 người.

“Nguồn nhân lực được coi là chìa khóa quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và chip tại Việt Nam. Do vậy, FPT mong muốn Chính phủ quyết liệt và thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chip và bán dẫn tại Việt Nam”, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT kiến nghị.

Giải cơn khát nhân lực bán dẫn

Từ lợi thế nhân lực, sẽ ra các lợi thế khác…

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp trọng yếu của quốc gia trong 30-50 năm tới. Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) - là căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế về gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực, sẽ ra các lợi thế khác và từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn, sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7/8/2023, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại buổi làm việc lấy ý kiến về Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2045 tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Đề án, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024.

Để tạo bước đà cho việc triển khai Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể hóa kế hoạch đề ra, NIC đã phối hợp với Công ty SunEdu, Đại học bang Arizona và Tập đoàn Cadence tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cho giảng viên, kỹ sư muốn nâng cao chuyên môn tại các cơ sở của NIC.

Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 trong khuôn khổ Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC và Tập đoàn Meta đồng tổ chức sẽ có chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu”.

Hợp lực đào tạo

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, để đáp ứng kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Dự kiến trong năm học tới, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này. Con số này sẽ tăng dần 20-30% mỗi năm và năm 2030 cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, bán dẫn là ngành mới nên không thể phát triển bằng kinh nghiệm, thói quen, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn mới, kèm theo giải pháp đột phá. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các văn bản với cơ chế đặc biệt nhằm thu hút chuyên gia, mở rộng liên kết đào tạo, sử dụng chương trình của nhau và chương trình nước ngoài.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Anh Thi, ngoài mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn ở các bậc từ đại học trở lên, cần có chương trình nâng cao kỹ năng cho những người tốt nghiệp ngành phù hợp hoặc có ngành đào tạo gần. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ngành điện tử, được đào tạo thêm vài tháng là có thể làm việc được trong các nhà máy bán dẫn với vị trí phù hợp.

Thực tế cạnh tranh khốc liệt trong ngành này đòi hỏi, nếu thị trường đang có sản phẩm thương mại chip công nghệ 3 nm, thì việc nghiên cứu đã phải là chip công nghệ 2 nm, thậm chí trong các phòng thí nghiệm, sinh viên đã phải được học tới các giải pháp công nghệ chip 1.4 nm hoặc 1 nm, thì ra trường mới có thể bắt kịp thế giới. GS-TS. Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng, để dạy và nghiên cứu như vậy, cần có hệ thống máy móc, công nghệ rất hiện đại, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp tích hợp ngay trong cơ sở đào tạo.

“Tại Hoa Kỳ, Đại học Purdue hợp tác với SkyWater Technologies để xây dựng một nhà máy trị giá 1,8 tỷ USD và hợp tác với MediaTek xây dựng trung tâm thiết kế chip bán dẫn đầu tiên của Công ty trong khuôn viên của trường. Cùng với IEDC và Navy Crane, Indiana đang xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn mạnh mẽ như trái tim của Silicon Heartland. Mô hình nghiên cứu kết hợp với đào tạo nhân lực cho ngành này phải là như vậy mới hiệu quả”, ông Sỹ nêu ví dụ.

Có thể thấy, nhân lực không chỉ là lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư vào bán dẫn, mà còn là nền tảng để thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng, quyết liệt giải quyết vấn đề này.

Xem thêm: lmth.425043tsop-nad-nab-peihgn-gnoc-hnagn-om-aohk-aihc/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Chìa khóa mở ngành công nghiệp bán dẫn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools