Ngày 6-3, lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Sóc Trăng và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng đã đến khảo sát phân trường Phú Lợi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là khu vực Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt quy mô 110ha, công suất 200.000m3 ngày/đêm, kinh phí xây dựng 3.000 tỉ đồng.
Ông Đặng Văn Ngọ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng - cho biết vị trí đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt có nguồn nước xa khu vực xâm nhập mặn. Địa điểm nhà máy chỉ cách TP Sóc Trăng khoảng 20km (hướng về TP Ngã Mảy, tỉnh Hậu Giang) nên thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đường ống nước.
"Nếu được chấp thuận và mọi việc diễn ra thuận lợi, sau thời gian xây dựng 2-3 năm, nhà máy sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo cung cấp nước sạch cho toàn tỉnh", ông Ngọ cho biết.
Theo ông Ngọ, qua khảo sát và đánh giá của cơ quan chức năng, nguồn nước mặt ở khu vực đề xuất xây nhà máy rất tốt. "Khi có nhà máy nước mặt này, chúng tôi sẽ hạn chế việc khai thác nước ngầm", ông Ngọ nói.
Ông Ngọ cho biết công ty đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm với tổng công suất được cấp phép gần 98.000m3 ngày/đêm.
Nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (khoảng 80%). Hiện công ty quản lý, vận hành và khai thác 64 giếng (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ khách hàng.
Theo ông Ngọ, từ đầu năm đến nay, tình hình nước mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn ra gay gắt. Thực trạng xâm nhập mặn không chỉ xảy ra ở nguồn nước mặt mà nước ngầm cũng vậy, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
"Chúng tôi đang vận hành để điều tiết hợp lý, phục vụ khách hàng tốt nhất. Tuy nhiên do nguồn nước bị nhiễm mặn nên việc xử lý rất khó khăn, tốn kém. Mong người dân sử dụng nước tiết kiệm vào thời điểm này", ông Ngọ đề xuất.
Dự báo mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ.