Yêu cầu này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong phần phát biểu kết luận phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ diễn ra sáng 6.3.
Ông Mãi cho biết, sau 2 tháng đầu năm, nền kinh tế có một số tín hiệu vui, thu chi ngân sách tăng. Riêng chi đầu tư phát triển, bao gồm cả đầu tư công gần 3.700 tỉ đồng, chi tăng 60% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. "Đây là kinh nghiệm. Chúng ta không còn thủng thẳng đầu năm nữa", ông Mãi nói thêm.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu có sự khởi sắc, một số ngành hàng như dệt may, gỗ có đơn hàng đến tháng 6 và sau tháng 6.2024. Tín hiệu lạc quan thứ 3 là số doanh nghiệp tham gia, trở lại thị trường đều tăng, không có tình trạng người lao động mất việc, hết việc, chưa trở lại làm việc sau tết.
Dù kinh tế khởi sắc nhưng theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đầu tư công vẫn còn đáng lo. Trong 2 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đạt 1.600 tỉ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với mục tiêu giải ngân từ 10 - 12% trong quý 1/2024.
Đặc điểm của giải ngân đầu tư công là tháng 1 tập trung "trả nợ" cho năm trước, tháng 2 là tháng tết, tháng 3 mới tập trung cho giải ngân. "Với 6.400 tỉ đồng còn lại, chia cho 4 tuần của tháng 3 thì mỗi tuần khoảng 1.600 tỉ đồng. Do vậy phải tập trung", ông Mãi yêu cầu.
Trong đó, các sở ngành, chủ đầu tư rà soát, tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng vướng mắc về quy hoạch, thủ tục dự án, điều chỉnh vốn trong quý 1, chậm nhất là quý 2/2024 để 6 tháng còn lại triển khai dự án.
Liên quan đến vật liệu xây dựng, ông Mãi phân tích các nhà thầu đã ký hợp đồng, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo vật liệu xây dựng thì bây giờ không thể nói UBND TP.HCM đi lo vật liệu.
"Trách nhiệm này trước hết là của nhà thầu. Trong tháng 3, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cấp quận, huyện phải chỉ ra cho được những nhà thầu chây ì, yếu kém và không nghiêm túc để xử lý ngay", Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu.
Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại từng dự án, xây dựng tiến độ cho từng quý, kịp thời giải quyết các vướng mắc, không để dồn đến cuối năm. Đối với dự án đấu thầu mới, nhất là các dự án trọng điểm phải thực hiện thủ tục trong thời gian ngắn nhất, thi công 3 ca 4 kíp.
Nghiên cứu cơ chế thuê tư nhân làm việc hành chính
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 98/2023, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, việc triển khai nghị quyết này đòi hỏi tập trung cho công việc rất lớn. Tuy nhiên, đội ngũ nhân sự hiện chưa đáp ứng được nhiệm vụ, các sở ngành cũng chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện Nghị quyết 98 khiến việc theo dõi, tổng hợp, đáp ứng tiến độ có khó khăn.
Do đó, bà Mai đề xuất phương án thuê nhân sự theo hợp đồng để kịp báo cáo, đáp ứng tiến độ.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, cần nghiên cứu phương án mời các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước tham gia hoạt động hành chính để góp phần đưa công việc nhanh hơn.
"Các đồng chí cứ nghĩ ra đi rồi bàn chính sách. Có thể mời người nước ngoài cũng được", ông Nên gợi mở, đồng thời nhận định đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh số lượng nhân sự mỏng mà khối lượng công việc nhiều.
Đồng tình với giải pháp này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, đã có chủ trương phát huy cơ chế thuê chuyên gia, thuê tư vấn rồi. Ông giao Sở Nội vụ, Sở KH-ĐT tham mưu phương án cụ thể để áp dụng.
"Viện Nghiên cứu phát triển, các viện, trường đại học trên địa bàn thành phố có thể tham gia", ông Phan Văn Mãi nói. Sắp tới, TP.HCM sẽ xây dựng trang web liên quan đến Nghị quyết 98 để theo dõi tiến độ, kết quả triển khai và thu thập ý kiến.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM ước đạt hơn 103.000 tỉ đồng (đạt 21% dự toán). Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, doanh thu kinh doanh bất động sản ước tăng 20% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới là 6.283 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới hơn 56.800 tỉ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 84.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,3 tỉ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ), còn kim ngạch nhập khẩu đạt 8,4 tỉ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ).
Tổng doanh thu du lịch tháng 2 ước đạt 15.743 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ.