Theo số liệu thống kê vào tháng 8-2023, Malaysia đón khoảng 1.054 du học sinh Việt đến học tại Malaysia, bao gồm các chương trình chính quy như đại học, sau đại học và tiến sĩ tại các trường đại học và học viện. Con số này chưa tính hàng ngàn sinh viên theo học các khóa tiếng Anh ngắn hạn.
Chi phí sinh hoạt tại Malaysia tương đương TP.HCM
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, TS Azriey Mazlan cho biết hiện các trường đại học ở Malaysia đang có kế hoạch gia tăng số sinh viên Việt Nam và các nước Đông Nam Á đến nước này. Theo ông, lợi thế cho du học Malaysia nằm ở mức học phí khá phù hợp với mức thu nhập nhiều nước Đông Nam Á.
Chẳng hạn với bậc cử nhân, tùy vào ngành học mà mức học phí có thể dao động từ 40.000 đến 60.000 MYR cho ba năm học, tương đương khoảng từ 206 đến 311 triệu đồng Việt Nam.
Chia ra mỗi năm, sinh viên quốc tế sẽ phải đóng tiền học từ 68 đến 103 triệu đồng.
Mức học phí này gần như tương đồng với nhiều trường tư thục tại TP.HCM.
"Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại Malaysia tương đương TP.HCM", ông Azriey Mazlan nói.
Các trường đại học thường xét đầu vào dựa trên thành tích học tập chính quy của học sinh, hoặc thông qua các bài thi chuẩn hóa kèm theo chứng chỉ tiếng Anh.
Hiện nay, Chính phủ Malaysia đang tiến hành thay đổi chính sách thị thực cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, được ở lại làm việc ngay lập tức, thay vì phải về nước xin giấy phép lao động như hiện nay.
Việt Nam có thể thành trung tâm du học của khu vực?
Theo vị lãnh sự giáo dục này, các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều có cơ hội trở thành một trung tâm du học mới cho khu vực, thay vì các học sinh trong khối vẫn quen với các thị trường du học "truyền thống" như Mỹ, Úc, Canada, châu Âu,…
Ông Azriey Mazlan cho rằng có hai cách thức để các nước ASEAN cạnh tranh thu hút sinh viên quốc tế. Một là các đại học tại quốc gia đó nâng chất, cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng đại học, tập trung vào một số ngành học trọng điểm.
Chẳng hạn, Đại học Taylor's của Malaysia đang sở hữu ngành quản lý khách sạn nằm trong top 20 thế giới. Hay các ngành nghệ thuật và thiết kế của trường này cũng nằm trong top 100 các trường đào tạo tốt nhất toàn cầu.
"Một ngành học được kiểm định và có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng sẽ dễ thu hút sinh viên quốc tế, bất kể là được dạy ở quốc gia nào", ông Azriey Mazlan nói.
Một cách khác là thu hút các trường quốc tế đến đặt cơ sở đào tạo.
Một số đại học lớn như Đại học Monash, Đại học Curtin (Úc), Đại học Southampton, Đại học Nottingham (Anh), Đại học Dublin (Ireland),... đang có cơ sở tại Malaysia.
Sinh viên quốc tế theo học tại đây thường có học phí rẻ hơn phân nửa so với học tại cơ sở chính. Sinh viên cũng có thể chuyển tiếp sang cơ sở chính nếu có nguyện vọng.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Azriey Mazlan, muốn thu hút được các trường đại học lớn, trước hết sẽ cần nhiều chính sách hỗ trợ từ quốc gia đó.
Trong trường hợp của Việt Nam, nếu có những chính sách thu hút thật hấp dẫn từ Chính phủ, sẽ không khó để các trường nổi tiếng đến đặt cơ sở đào tạo.
Với đề tài du học, lần đầu tiên bộ phim 'Má ơi tỉnh mộng' sẽ phơi bày những mặt tối của khát vọng cho con 'xuất ngoại', dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.