Hội thảo này cũng là nơi để các nhà khoa học, người dân nhìn nhận lại các giá trị lịch sử, văn hóa,… và đề xuất ý tưởng phát triển Thảo cầm viên xứng tầm trong tương lai.
Vai trò của không gian xanh
Hơn 15 bài tham luận được các học giả, nhà nghiên cứu gửi về cho hội thảo. Các chủ đề trọng tâm xoay quanh vai trò và vị thế của Thảo cầm viên trong việc giữ gìn, tạo mảng xanh cho TP.HCM và gợi mở định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Theo bài tham luận của tác giả Nguyễn Thành Đạt, Thảo cầm viên được coi là một không gian xanh, một khu rừng sinh thái giữa trung tâm TP.HCM có giá trị từ lâu đời. Nơi đây không chỉ có ý nghĩa giáo dục thực tế đối với ngành khoa học tự nhiên, mà còn là nơi lý tưởng để chữa lành tâm lý, đặc biệt đông đảo giới trẻ đến làm việc và học tập.
Dẫn chứng từ các báo cáo, tác giả Nguyễn Thành Đạt đã nêu ra ở Việt Nam cũng như TP.HCM có tỉ lệ người lao động trong trạng thái mệt mỏi, stress đang tăng lên.
Vì vậy, việc kết nối gần hơn với thiên nhiên đang trở thành cách chữa lành hiệu quả. Thảo cầm viên là một nơi đặc biệt ở TP.HCM để người dân có thêm năng lượng tích cực, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Còn tham luận của tác giả Trần Ngọc Thêm đặt ra vấn đề dự kiến đến năm 2050 sẽ có 2/3 người sống trong các đại đô thị. Khi đó, đại đô thị sẽ không còn là nơi ở của riêng con người, mà phải là một "đại Thảo cầm viên".
Với sứ mệnh to lớn, các tác giả đều cho rằng phát triển Thảo cầm viên là điều cấp thiết nhằm thúc đẩy phủ xanh đô thị, xu hướng phát triển chung trên thế giới.
Tìm cách phát triển xứng tầm
Trong bài tham luận Thảo cầm viên liên kết phát triển du lịch văn hóa tại TP.HCM, ngoài việc chỉ ra những ưu điểm, giá trị của điểm đến này, tác giả Trần Trọng Lễ còn chia sẻ một số lý do khiến Thảo cầm viên chưa thực sự được yêu thích.
Theo đó, hầu hết các loại thú đều bị nhốt trong lồng, khoảng cách xa tầm nhìn, các cửa kính của chuồng thú khá bẩn và mờ. Các loại thú chưa được nuôi đúng cách, có dấu hiệu buồn bã…
Để phát triển Thảo cầm viên tốt hơn, tác giả Trần Trọng Lễ cho rằng chính quyền địa phương cần có các chính sách, cơ chế phù hợp để các bên liên quan liên kết tổ chức, quản lý và khai thác Thảo cầm viên gắn với không gian văn hóa đô thị của khu vực trung tâm TP.HCM.
Một nhóm tác giả đã chia sẻ dù Bảo tàng Chi Me (Đài Loan) và bảo tàng ở Thảo cầm viên đều trưng bày các tiêu bản động, thực vật, nhưng ở Thảo cầm viên vẫn chưa phát huy hết các giá trị vốn có, không phát triển tốt như Chi Me. Nguyên nhân do không gian trưng bày quá nhỏ, nội dung trên website chưa cập nhật thường xuyên, việc dùng ánh sáng ở tủ trưng bày chưa đúng theo tiêu chuẩn…
Bảo tàng ở Thảo cầm viên có thể khắc phục các điểm yếu này bằng cách "ngầm hóa" bảo tàng, đa dạng hóa hoạt động để người xem có thể trải nghiệm 1- 2 tiếng.
Đồng thời, xây dựng lại website với các nội dung đa dạng, cập nhật thường xuyên. Chuyên nghiệp hơn trong cách tạo ra các tiêu bản thú trưng bày.
Để phát triển hơn trong tương lai, Thảo cầm viên còn nhiều vấn đề cần làm như nâng cao năng lực quản lý chuyên nghiệp, phát triển chiều sâu các hoạt động dịch vụ… để đáp ứng nhu cầu của người dân, xứng với biểu tượng là 1 trong 8 vườn thú có lịch sử lâu đời nhất thế giới.
Sáng 23-10, Thảo cầm viên Sài Gòn làm lễ kỷ niệm, dâng hoa tưởng nhớ ông Jean Baptiste Louis Pierre, giám đốc đầu tiên của đơn vị, cũng là ‘cha đẻ’ của hàng ngàn cây cổ thụ trên đường phố TP.HCM.