Một số trường hợp đề ra cho mình giải pháp sử dụng mạng xã hội nhẹ nhàng, bên cạnh các phương tiện liên lạc khác.
Sợ mất hình ảnh, mất kết nối
Trung Thành (30 tuổi, nhân viên marketing tại quận 3, TP.HCM) bị một phen hốt hoảng. Tối 5-3, đi chơi về, mở Facebook để thông báo nhóm bạn là mình đã về tới nhà, anh tá hỏa khi tài khoản đã bị thoát ra. Liền đó, tin nhắn từ Zalo giội về.
"Mở ra, tôi thấy tin nhắn của các hội bạn, nhóm đồng nghiệp hoang mang vì không đăng nhập được Facebook. Hầu hết đều sợ tài khoản bị chiếm. Có bạn thì sợ mất Facebook luôn là sẽ mất hết kỷ niệm, hình ảnh, danh sách bạn bè… trong nhiều năm dùng mạng xã hội này", anh nói. Có bạn do đăng ký một số hội thảo online qua Facebook nên cũng hết sức lo lắng.
Sau đó, anh cố đăng nhập nhiều lần. Khi vào ứng dụng Instagram, không tải được cập nhật mới, anh cũng tim đập chân run.
Một lúc sau, vào được Facebook, anh mới trút được cục tạ trong lòng. Anh lật đật kiểm tra khung tin nhắn có gì lạ không, và thông báo cho bạn bè rằng tài khoản mình vẫn ổn.
Không lo lắng nhiều về vấn đề mất liên lạc, nhưng chị Bảo Ngọc (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ TP Thủ Đức) lo tài khoản bị tấn công, lộ thông tin cá nhân nhiều.
"Tôi không lo lắm về chuyện liên lạc bằng Facebook, vì trường hợp quá gấp vẫn có thể gọi điện thoại. Còn đây là nền tảng hàng tỉ người dùng nên tôi nghĩ sẽ khôi phục bình thường, nếu không sẽ ảnh hưởng nền kinh tế", chị nói.
Sống chậm hơn, bớt "ảo diệu"
Anh Lê Phát (ngụ TP Thủ Đức) trải lòng: "Sau sự cố Facebook bị thoát ra tối qua, mình chợt nhận ra cần phải sống chậm hơn nữa, và điều chỉnh lại vài thứ".
Theo anh, lâu nay các mối quan hệ được thiết lập đôi khi xuất phát từ mạng xã hội, rồi sau đó mới có số điện thoại để kết bạn, làm việc. Đôi khi không cần cả số điện thoại.
"Từ nay tôi sẽ hạn chế việc này và quay lại cách truyền thống là lấy số điện thoại của nhau…", anh nói. Anh cho biết sẽ hạn chế thời gian trên Facebook, chỉ lâu lâu "ngoi" lên cho bạn bè biết mình vẫn ổn.
Anh Phát chia sẻ: "Từ ngày có Facebook, cuộc sống có nhiều điều thay đổi thú vị, tìm được những người bạn cũ, biết thêm nhiều bạn mới. Có những người bạn xa lạ mà đôi lúc ta chỉ biết tên Facebook của họ, rồi xem như công cụ duy nhất để liên lạc".
Điều này tạo ra không ít những người bạn ảo, cuộc sống ảo và kéo bản thân xa khỏi cuộc sống đời thật.
Thay vì phải chăm sóc chính công việc, bản thân, anh nhận thấy tình trạng tập trung chăm sóc hình ảnh của mình trên mạng, ôm điện thoại để sống với nó. Anh nói vui rằng khi Facebook xảy ra sự cố ngắn, ta hốt hoảng như thể đã xa Facebook trong thời gian dài, và nhớ như nhớ… người yêu.
Với chị Ngọc, trước đây chị từng bị "hack" Facebook, sau một tháng mới lấy lại được tài khoản. "Lúc đó do tính chất công việc phải làm việc, tương tác trên nền tảng Facebook nên tôi bị ảnh hưởng nhiều", chị kể.
Từ đó, chị suy nghĩ về cách sử dụng mạng xã hội sao cho không quá lệ thuộc. Chị bày tỏ: "Tôi thấy bản thân không nên quá phụ thuộc vào mạng xã hội, luôn có phương án khác cho mình. Lưu ý là không nên đưa hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc những tin nhắn quá riêng tư".
Ngoài Facebook, chị còn sử dụng phương tiện liên lạc qua các ứng dụng Zalo và Instagram.
Dù biết Facebook cần thiết và tiện lợi, nhưng có thể thấy sau sự cố này, nhiều bạn đã thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng mạng xã hội.
Như một món ăn, ăn vừa đủ
Anh Lê Phát chia sẻ rằng sẽ sống chậm hơn để nhìn lại cách sử dụng Facebook, sao cho không bị lệ thuộc. Bên cạnh đó, bản thân sẽ dành nhiều sự quan tâm đến đời thật, bạn bè, gia đình.
"Mạng xã hội như một món ăn, ăn vừa đủ để đủ ngon và hấp thụ, ăn nhiều quá sẽ bội thực và phát sinh nhiều hệ lụy", anh nói.
Liên quan sự cố ‘sập' toàn bộ các ứng dụng Facebook, Messenger, Instagram vào tối 5-3, Meta đã công bố nguyên nhân vụ việc là do ‘một sự cố kỹ thuật'.