Ngày 6/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Phiên toà tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKS với phần hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng của các cựu cán bộ ngân hàng SCB và hành vi tham ô, nhận hối lộ của loạt cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu. Giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội có hàng chục người khác, là cựu cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước, giám đốc các doanh nghiệp và người thân, thuộc cấp của Trương Mỹ Lan.
Liên quan đến hành vi phạm tội của nhóm cán bộ Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cáo trạng truy tố 41 bị cáo về các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ.
Nhóm bị cáo này đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, thực hiện hành vi sai trái, vi phạm các quy định của ngân hàng, tạo điều kiện để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của Ngân hàng SCB.
Đáng chú ý, có nhiều cán bộ, nhân viên, lãnh đạo Ngân hàng SCB giúp sức cho Trương Mỹ Lan nhưng không bị xử lý hình sự.
Cụ thể cáo trạng nêu, với nhóm cán bộ ở cấp đơn vị Chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB và những người ở cấp đơn vị/Chi nhánh tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Các cá nhân giữ các vị trí nêu trên đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB; quá trình điều tra tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.
Đối với nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đứng đại diện pháp luật Công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính v.v. liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định đối với các khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát vay vốn Ngân hàng SCB là các đối tượng có vai trò thứ yếu, ngoài tiền lương được trả không được hưởng lợi gì khác, bản thân không nhận thức được hành vi đứng tên như trên giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền ngân hàng, là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê, quá trình điều tra thành khẩn khai báo, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này.
5 bị cáo bị xét xử vắng mặt
Trong vụ án này, có 5 bị cáo vẫn đang bị truy nã gồm: Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).
Với 5 bị cáo hiện đang bỏ trốn, cáo trạng xác định Đinh Văn Thành đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan trong việc lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Bị cáo Chiêm Minh Dũng đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan bằng cách ký hợp thức 362 khoản vay, gây thiệt hại 140.713 tỷ đồng.
Bị cáo Trầm Thích Tồn giúp sức cho Trương Mỹ Lan ký hợp thức 80 khoản vay để rút tiền của ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 7.176 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương đã ký hợp thức 79 khoản vay cho nhóm Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại số tiền 6.989 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ ký hợp thức hồ sơ 112 khoản vay, gây thiệt hại số tiền 3.762 tỷ đồng.
Các bị cáo nói trên đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được các bị can trên đang ở đâu, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi bị can đăng ký thường trú, phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, tiến hành lập Biên bản vận động đối tượng ra đầu thú đối với gia đình bị can; chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư và thân nhân để thông báo cho các bị can; tổ chức nhận dạng; trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của các bị can trên các hồ sơ vay.
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Đối với các bị can Đinh Văn Thành, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Thị Thu Sương, Nguyễn Lâm Anh Vũ, Chiêm Minh Dũng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Trước phiên tòa, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo yêu cầu các bị cáo nói trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015. Do các bị cáo chưa ra đầu thú, nên TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử vắng mặt với các bị cáo này.
Ngoài việc không xem xét trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng phạm tội thứ yếu, làm công ăn lương cho Trương Mỹ Lan, cơ quan tố tụng cũng không xét trách nhiệm hình sự đối với 3 người khác do những người này đã chết.
Cụ thể, Đối với Nguyễn Phương H., Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng SCB CN Sài Gòn; Nguyễn Tiến T., Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, xác định đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của các khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của Ngân hàng SCB, giúp cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của Tổ chức tín dụng, nhưng Nguyễn Phương H. và Nguyễn Tiến T. đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với Nguyễn Ngọc D., Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đã tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần...; trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, là đối tượng giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, nhưng Nguyễn Ngọc D. đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Công Thư - Thành Nhân