Ngày 6-3, Điện Kremlin tiếp tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ dàn dựng các chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng đến hai cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020.
Lùm xùm can thiệp bầu cử
"Chúng ta chưa bao giờ can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong bài giảng cho sinh viên về những định kiến về nước Nga.
"Và lần này, chúng ta không có ý định can thiệp… Chúng ta không ra lệnh cho bất kỳ ai phải sống như thế nào, nhưng chúng ta không muốn người khác ra lệnh cho mình", ông Peskov nói thêm.
Theo Hãng tin Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định mọi nỗ lực từ nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Nga vào cuối tháng này sẽ bị ngăn chặn.
Nga không quan tâm đến những lời chỉ trích của phương Tây về cuộc bỏ phiếu mà ông Putin chắc chắn sẽ giành chiến thắng, trừ khi có diễn biến bất ngờ.
Vào năm 2019, báo cáo của công tố viên đặc biệt của Mỹ Robert Mueller cho hay Nga đã "can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 một cách sâu rộng và có hệ thống". Tình báo Mỹ thì tin rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
Năm 2021, tình báo Mỹ công bố báo cáo nói rằng Tổng thống Nga Putin đứng sau một loạt hoạt động nhằm bôi nhọ ông Biden và ủng hộ ông Trump.
Năm ngoái, Mỹ công bố báo cáo tình báo cho hay Matxcơva sử dụng gián điệp, phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông nhà nước để làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của các cuộc bầu cử dân chủ trên toàn cầu.
Quan hệ Nga - Mỹ đi xuống
Chiến sự ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ của Nga với các nước phương Tây kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Ông Putin cảnh báo phương Tây có nguy cơ kích động cuộc chiến tranh hạt nhân nếu gửi quân đến tham chiến ở Ukraine.
Theo ông Peskov (làm người phát ngôn từ 2008), mối quan hệ giữa Nga với Mỹ có lẽ chưa bao giờ đi xuống như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định Nga không xem Mỹ như kẻ thù và hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới có trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu.
Sau khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga.
Ông Peskov tuyên bố lệnh trừng phạt "không làm tổn thương" Nga. Điều này thể hiện qua tăng trưởng kinh tế 3,6% trong năm qua.
Khi được hỏi tương lai của Nga sẽ ra sao, ông Peskov cho biết điều đó sẽ không dễ dàng vì tình hình địa chính trị đang thay đổi. Tuy nhiên, Nga sẽ vẫn mở cửa với thế giới.
Ngày 6-3, Điện Kremlin tuyên bố Nga không công nhận lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành đối với hai chỉ huy Nga ở Ukraine.