Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, tình trạng băng ở Bắc Cực biến mất vào mùa hè có thể diễn ra sớm hơn 10 năm so với dự đoán ban đầu.
Đặc biệt, tháng 9 không băng sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong khoảng thời gian từ năm 2035 đến năm 2067. Tần suất băng tan phụ thuộc vào lượng khí thải trên toàn thế giới.
Đến cuối thế kỷ 21, nếu lượng khí thải toàn cầu vẫn ở mức đáng báo động thì tình trạng Bắc Cực không băng có thể kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 1 năm sau.
Trong trường hợp lượng khí thải giảm, tình trạng không băng chỉ xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10.
Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã đặc trưng trong khu vực như gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã.
Bà Alexandra Jahn, phó giáo sư ngành khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Colorado kiêm tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Tình trạng này sẽ biến Bắc Cực thành một môi trường hoàn toàn khác, từ một Bắc Cực trắng xóa vào mùa hè chuyển thành Bắc Cực màu xanh lam.
Do đó, chúng ta cần giữ lượng khí ở mức thấp nhất có thể để tránh tình trạng này kéo dài”.
May mắn thay, con người vẫn còn cơ hội để khắc phục vấn đề.
“Không giống như dải băng ở Greenland vốn mất hàng nghìn năm để hình thành, nếu chúng ta có thể tìm ra cách đưa CO2 ra khỏi bầu khí quyển trong tương lai để đảo ngược tình trạng (Trái đất) ấm lên, băng sẽ quay trở lại Bắc Cực trong vòng một thập kỷ”, bà nói thêm.
Động vật hoang dã ở Bắc Cực không phải là những sinh vật duy nhất chịu thiệt hại khi băng tan. Con người, cụ thể là những người dân sống ở ven biển, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Băng làm giảm tác động của sóng biển lên bờ biển, nếu chúng biến mất, sóng sẽ trở nên mạnh hơn, lớn hơn và gây xói mòn nhiều hơn.
Các nhà khoa học phát hiện dưới lớp băng tuyết Nam Cực có 100 núi lửa và một số đang hoạt động. Liệu các núi lửa này có khiến băng tan nhanh hơn?