Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân trên website của từng tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại tổng kết đánh giá lãi suất để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. "Để tránh hiểu lầm khi công bố lãi suất bình quân, Ngân hàng Nhà nước không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố chi tiết các nhóm khách hàng, phân loại khách hàng..., đó là thẩm quyền của các tổ chức tín dụng", ông Phạm Chí Quang nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB đưa ra quan điểm, đối với yêu cầu về công bố lãi suất cho vay bình quân theo Chỉ thị 01 phải công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng ngân hàng. MB đã sẵn sàng hệ thống tính toán và dữ liệu để thực hiện việc công bố thông tin theo chỉ đạo. Tuy nhiên, lãnh đạo MB đề xuất Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn chi tiết để các tổ chức tín dụng thực hiện thống nhất, trong đó mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai tại các tổ chức tín dụng và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, việc công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với các ngân hàng "không vấn đề gì” bởi mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra với khoản vay ngắn hạn không lớn, do đó khách hàng không phản ứng. Nhưng đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, việc công khai lãi suất cho vay rất khó khăn cho ngân hàng.
Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội dẫn chứng: "Thời gian vừa rồi, chúng tôi đã giảm lãi suất 1,5% - 2%, có khách hàng được giảm tới 3%, đến nay có khách vay lãi suất trung và dài hạn chỉ 10% - 11%/năm nhưng vẫn phản ứng với ngân hàng với lý do lãi suất huy động đầu vào hiện chỉ 6% - 7%/năm là cao nhất, thậm chí huy động kỳ hạn ngắn chỉ 2,7%. Nếu chúng tôi áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng thì các khách hàng vay cũ sẽ phản ứng, tiếp tục đòi giảm lãi suất mà họ đang phải chấp nhận trả, mặc dù có thể trước đây 12 tháng, họ đã được ưu đãi. Đây là khó khăn với ngân hàng".
Do đó, vị Tổng Giám đốc này đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại việc công bố lãi suất cho vay bình quân. Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng bày tỏ mong muốn chỉ tập trung công khai lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân. Bởi, khách hàng doanh nghiệp có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân.
Theo các chuyên gia, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay cũng như giá vốn, nợ xấu... Nhiều doanh nghiệp cũng "than" lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao. Chính vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh Thủ tướng đã chỉ đạo và ngành Ngân hàng phải thực hiện. Đó là kỷ cương điều hành và đây cũng là cơ sở để các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian sớm nhất.
Trên thực tế, xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục diễn ra. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. Trong tháng 02/2024, có 19 ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động, trong đó những Ngân hàng thương mại cổ phần như: VPBank, VIB, NCB, Sacombank, Techcombank, Viet A Bank... đã lần thứ hai điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại, không còn ngân hàng nào duy trì lãi suất tiền gửi với kỳ hạn 6 tháng trên 5%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi 9 - 11 tháng, chỉ có ngân hàng VietBank áp dụng lãi suất 5%/năm, các ngân hàng khác niêm yết lãi suất dưới 5%/năm, thậm chí có ngân hàng dưới 4%/năm như MSB, SeABank; MB 3,9%/năm và Techcombank là 3,7%/năm. Lãi suất huy động giảm giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào. Theo đó, lãi suất cho vay giảm theo, kỳ vọng kích thích nhu cầu cho vay.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,5%/năm và một lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5% - 1%/năm. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13%/năm so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7% - 9%/năm đối với khoản vay kỳ hạn ngắn và 9% - 9,5%/năm đối với khoản vay trung dài hạn).
Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.
Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Xem thêm: lmth.376951_maig-cut-peit-ed-aid-ud-ueihn-noc-yav-ohc-taus-ial/gnah-nagn/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc