Xây đê trăm tỉ vây rừng ngập mặn
Theo UBND H.Đầm Hà (Quảng Ninh), từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại xã Tân Lập (H.Đầm Hà), với tổng mức đầu tư hơn 125 tỉ đồng. Dự án được giao cho UBND H.Đầm Hà làm chủ đầu tư.
Công trình trăm tỉ gồm các hạng mục chính: tuyến đê dài gần 3,6 km và 3 cống thoát nước.
Đáng chú ý, từ trước khi triển khai, trong ranh giới dự án có tới 127 ha rừng ngập mặn; 33,8 ha rừng trồng. Còn lại, chỉ có 4,3 ha đất không có rừng và hơn 13 ha mặt nước.
Dự án được triển khai tại khu vực có yếu tố rất nhạy cảm về môi trường khi xung quanh là hơn 127 ha rừng ngập mặn ven biển. Tại thời điểm đó, khi phê duyệt phương án thi công, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND H.Đầm Hà phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bảo toàn môi trường sống khu rừng ngập mặn này.
Điều đáng nói, sau khi tuyến đê quây rừng ngập mặn được hình thành vào năm 2021 thì đến nay không thể phát huy được công năng. Bởi lẽ dự án khu nông nghiệp công nghệ cao cấp của tỉnh về thủy sản tại H.Đầm Hà rộng tới 169 ha vẫn chỉ… trên giấy.
Công trình trăm tỉ… để không
Cũng theo UBND H.Đầm Hà, việc dự án hạ tầng trăm tỉ nói trên hoàn thành vào năm 2021. Sau khi hoàn thành, dự án trên được tỉnh Quảng Ninh và địa phương này kỳ vọng tạo ra khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; động lực nòng cốt để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, công nghiệp ứng dụng công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm như con giống, công nghệ nuôi thương phẩm, công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển đối tượng tôm nước lợ và các đối tượng thủy sản khác.
Thế nhưng những kỳ vọng về nông nghiệp công nghệ cao thủy sản vẫn chỉ là trên giấy. Suốt 3 năm qua không có một nhà đầu tư, doanh nghiệp nào vào triển khai hoạt động sản xuất tại đây.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, hiện tại duy nhất đơn vị sản tôm giống đang sản xuất tôm giống trong khu vực dự án thủy sản nói trên. Tuy nhiên, đơn vị này đi vào hoạt động từ trước khi dự án được triển khai.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này rất lo ngại tình trạng ngọt hóa sau khi tuyến đê hình thành và gây nguy hại cho diện tích rừng ngập mặn trong ranh giới dự án. Đặc biệt, đã có hiện tượng đất đá bồi lấp vào diện tích rừng gần với chân đê.
Lý giải về việc làm để chờ dự án, ông Trần Anh Cường, Phó chủ tịch UBND H.Đầm Hà, cho biết thời điểm đó dự án chưa có trong quy hoạch về nông nghiệp chất lượng cao nên phải thực hiện lại đề án để phù hợp với quy hoạch chung của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau đó trình Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Cũng theo ông Cường, mục đích làm tuyến đê để tạo các ao nuôi thủy sản bên trong. Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai thì có quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên việc tạo các ao nuôi tạm thời dừng lại. Hiện nay, quan điểm của huyện là giữ nguyên hiện trạng rừng ngập mặn, sau này khi có doanh nghiệp vào đầu tư tại dự án chỉ cho thuê môi trường rừng.