Sáng nay (7.3), ngày thứ 3 xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng chồng bị cáo Chu Lập Cơ (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square Việt Nam) và 83 bị cáo đồng phạm sẽ bước vào phần thẩm vấn.
Theo đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - viết tắt SCB) được xét hỏi đầu tiên. Bị cáo này bị truy tố tội "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
"SCB gần như là công cụ của Lan"
Bị cáo Văn bị cáo buộc đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 192.000 tỉ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi suất phát sinh hơn 101.200 tỉ đồng.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là người đầu tiên bị mời lên bục xét hỏi. Bị cáo thừa nhận hành vi mà cáo trạng nêu đối với bị cáo là đầy đủ. Bị cáo này cũng biết việc bị cáo Trương Mỹ Lan không có vai trò gì trong SCB, bị cáo chỉ là người làm thuê. Bị cáo biết trên là khoản vay do bị cáo Lan vay cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Văn cũng thừa nhận tất cả khoản vay này là không phù hợp pháp luật. "Bị cáo tin tưởng bằng tài năng của bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ giúp cho SCB tái cơ cấu. Rất cần sự nương tựa để trên cơ sở đó giải quyết vấn đề quá khứ, nên khi có khoản vay đến dự án, và tài sản đảm bảo có giá trị nên bị cáo tin tưởng", bị cáo Văn khai tại toà.
Đồng thời, bị cáo Văn cũng thừa nhận SCB gần như là công cụ của bị cáo Lan.
Tuy nhiên, cựu Tổng giám đốc SCB khẳng định: "Không có cổ phần ăn chia nào, mà tin tưởng vào tài của Trương Mỹ Lan, nên đã hợp tác với bị cáo Lan trong 7 năm. Không có cổ phần ăn chia gì. Bị cáo làm việc với tư cách người làm thuê cho SCB, căn cứ vào niềm tin thấy bị cáo Lan tin tưởng đối xử với cấp dưới và quan tâm. Bị cáo Lan đầu tư chiến lược dài hơn, đảm bảo cho ngân hàng vượt qua khó khăn".
Mỗi khi bị cáo Trương Mỹ Lan cần tiền, gọi điện trao đổi rút tiền SCB
Chủ toạ hỏi, với tổng tài sản 114.000 tỉ đồng, khi tái cơ cấu với một loạt dư nợ tín dụng không có khả năng thanh toán. Vậy căn cứ trên của bị cáo có khoa học?
Theo bị cáo Văn, Công ty thẩm định Hoàng Quân chỉ đánh giá hơn 400 tài sản, tất cả tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan là thiếu giấy tờ, cũng là một phần tái cơ cấu. Nếu định giá đúng theo giá thị trường thì cũng xác định là tổn thất. Bị cáo vẫn tin tưởng cơ sở xác định tổn thất dự kiến, tổn thất thực sự phải xác định bán tài sản thì mới xác định là tổn thất. Bị cáo Văn cho biết, không thể buộc người làm thuê như bị cáo phải bồi thường.
Theo cáo trạng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn được Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT SCB) tuyển vào làm việc tại SCB từ tháng 7.2013 với chức vụ Phó tổng giám đốc SCB. Tháng 12.2013, sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ việc, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn làm Tổng giám đốc SCB, thành viên Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở, đến tháng 7.2020 thì nghỉ việc.
Mỗi khi cần tiền để sử dụng, bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện trao đổi với bị cáo Văn về việc rút tiền SCB thông qua khoản vay, và bị cáo Lan đã có chủ trương, chỉ đạo để SCB giải ngân khoản vay nào đó cho bị cáo Lan sử dụng. Bị cáo Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của bị cáo Trương Mỹ Lan, việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Ngoài ra, để tránh sự kiểm tra giám sát hoạt động cho vay tại các Chi nhánh SCB của NHNN, bị cáo Văn ký tờ trình đề xuất để Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) ký quyết định thành lập các đơn vị mới gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp), Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối Dịch vụ Ngân hàng và Tài chính cá nhân (có đơn vị trực là Hub cho vay bất động sản Hồ Chí Minh 2) là bộ phận chuyên thực hiện các hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Văn biết rõ các khoản vay này là của bị cáo Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, phương án vay vốn, nhưng ký các tờ trình thẩm định, biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở đồng ý cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi của bị cáo Văn giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB để sử dụng cho các mục đích của bị cáo Lan.
Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 11.2013 – 12.2017, bị cáo Văn đã ký hồ sơ cho vay khống và giải ngân 290 khoản vay của 228 khách hàng để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích, phương án vay vốn.
Đến tháng 10.2022 các khoản vay trên còn tổng dư nợ là hơn 79.800 tỉ đồng. Cáo trạng xác định hành vi của bị cáo Văn đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 60.500 tỉ đồng.
Trong giai đoạn từ tháng 2.2018 – 7.2020, bị cáo Văn đã ký hồ sơ cho vay khống và giải ngân đối với 348 khoản vay của 175 khách hàng thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn dư nợ đến tháng 10.2022 là hơn 325.000 tỉ đồng. Bị cáo đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 192.000 tỉ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi suất phát sinh hơn 101.200 tỉ đồng.