Nikkei Asia đưa tin, hơn 3.600 công ty Nhật Bản đã công bố cắt giảm việc làm trong hai tháng đầu năm nay mặc dù giá cổ phiếu tăng lịch sử. Điều này phản ánh các công ty tại quốc gia này có thể đang chuẩn bị tái cơ cấu trong bối cảnh tiền lương tăng.
Theo công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research, 14 công ty niêm yết đã đưa ra đề nghị nghỉ hưu sớm hoặc tự nguyện cho 3.613 nhân sự trong nước, tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với tổng số của năm ngoái là 3.161 người.
Báo cáo lưu ý rằng tình trạng cắt giảm việc làm diễn ra ở nhiều ngành khác nhau và 64% các công ty thông báo cắt giảm đều có lãi trong năm tài chính gần nhất, trái ngược với đợt cắt giảm việc làm trước đó trong đại dịch COVID-19.
Tokyo Shoko Research cho biết: “Số lượng ‘nghỉ hưu sớm và tự nguyện’ đang gia tăng tại các công ty lớn. Điều này cho thấy sự phục hồi rõ rệt về hiệu quả kinh doanh và họ có thể đã bắt đầu tiến hành cải cách cơ cấu toàn diện”.
Công ty mỹ phẩm Shiseido và công ty điện tử Omron, lần lượt công bố các gói trợ cấp thôi việc cho 1.500 và 1.000 nhân viên tại Nhật Bản, chiếm phần lớn trong số đợt cắt giảm. Khoảng 700 người tại chuỗi siêu thị Ito Yokado, công ty con của Seven & i Holdings cũng đã nộp đơn xin nghỉ hưu sớm.
Các số liệu này chỉ tính đến số lượng cắt giảm nhân sự ở Nhật Bản và không bao gồm khoản trợ cấp thôi việc dành cho nhân viên ở nước ngoài, chẳng hạn như việc Omron cắt giảm thêm 1.000 việc làm bên ngoài Nhật Bản, hay Tập đoàn Sony đã công bố kế hoạch cắt giảm 900 vị trí thuộc bộ phận trò chơi của mình trên toàn cầu.
Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi, cho rằng việc cắt giảm tại Shiseido và Omron cũng cho thấy công ty đang bắt đầu thay đổi chiến lược nguồn nhân lực của họ.
Nagahama nói: “Bây giờ, khi sự cạnh tranh về nhân tài ngày càng gay gắt, trọng tâm đang chuyển sang cắt giảm nhân sự dư thừa thông qua việc nghỉ hưu sớm và tăng lương cho những người còn ở lại.”
Theo thống kê của chính phủ, mức tăng lương ở các công ty lớn ở Nhật Bản đạt 3,6% vào năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ. Các nhà kinh tế đang mong đợi mức tăng thậm chí còn lớn hơn trong năm nay.
Đồng thời, các công ty cũng chịu áp lực phải tăng lợi nhuận. Năm ngoái, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã yêu cầu ban quản lý các công ty niêm yết nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng giá cổ phiếu của họ. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường cải cách là một trong những lý do khiến chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, với chỉ số Nikkei Stock Average đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tuần này.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng vẫn vướng phải tình trạng thiếu lao động, nhiều lao động theo hợp đồng hoặc thời vụ đang phải vật lộn để tìm việc làm toàn thời gian.
Tham khảo Nikkei Asia