Ngày 7-3, ông Lê Công Nguyên - giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Cà Mau - cho biết hạn hán ảnh hưởng làm thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
"Tính đến nay có hơn 3.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt hằng ngày. Những khu thiếu nước thường do không có hệ thống nước nối mạng hoặc khoan nước ngầm không được.
Chúng tôi đã có kế hoạch kéo nước nối mạng. Tuy nhiên, đa phần người dân sống ở khu vực nông thôn nhà ở rải rác nên chi phí đầu tư hệ thống nước thường rất tốn kém, cần phải có thời gian", ông Nguyên nói.
Xã Biển Bạch, huyện Thới Bình có 1.847 hộ dân nhưng đã có đến hơn 450 hộ thiếu nước sinh hoạt để sử dụng hằng ngày. Người dân nơi đây dựa vào nguồn nước mưa trữ lại để xài dần. Không thể khoan giếng nước ngầm được do nước bị phèn và mặn.
"Tại xã Tân Bằng (giáp ranh xã Biển Bạch) có một trạm cấp nước sinh hoạt xài chung cho hai xã. Tuy nhiên, những tháng gần đây người dân ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch không có nước xài. Để có được nước, họ phải mua từ các ghe chở nước với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/m3", ông Trần Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, than.
Anh Lê Tuấn Anh, xã Biển Bạch, cho biết đã hơn 3 tháng nay, khu vực nhà anh chưa có hạt mưa nào. Trong khi đó, nếu dứt mưa khoảng một tuần là nhà anh xài hết lượng nước dự trữ nên phải mua nước từ ghe.
"Nhà có 3 người, vợ chồng và con xài tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng tốn gần 500.000 tiền nước. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê của tôi tháng khoảng 2 triệu đồng. Tính ra tiền điện tiền nước đã chiếm một phần tư tiền thu nhập của gia đình", anh Tuấn Anh nói.
Kiên Giang dự báo mùa khô 2023-2024 có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt sử dụng. Do đó, thời điểm này, địa phương chủ động nhiều phương án nạo vét kênh, đắp đập, khoan thêm giếng nước, dự phòng nước cho dân.