Giá vàng thế giới nhảy vọt lên 2.160 USD/ounce, phá mức giá kỷ lục lập được hồi tháng 12/2023 và thậm chí có lúc đạt 2.164,09 USD/ounce, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Phát biểu trên CNBC, chiến lược gia thị trường Joseph Cavatoni của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, kỳ vọng hạ lãi suất đang thúc đẩy giá vàng và mọi người đều mong đợi điều đó sẽ đến. Bên cạnh đó, ông Cavatoni cho biết thêm hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng tiếp tục rất mạnh mẽ.
Theo công cụ CME Fedwatch, nhà đầu tư hiện dự báo xác suất 72% Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6, cao hơn xác suất 63% vào cuối tháng 2.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm của Mỹ công bố vào hôm nay (8/3) để tiếp tục có thêm thông tin cho dự báo về thời điểm hạ lãi suất của Fed...
Sau khi tăng mạnh ở phiên chiều qua, sáng nay (8/3), giá vàng SJC tại các doanh nghiệp trong nước đứng im tại chỗ.
Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty vàng bạc Phú Quý niêm yết từ 79,80-81,80 triệu đồng/lượng, đi ngang.
Tương tự, Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh cũng không có biến động, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch từ 79,75-81,75 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch chiều mua vào/bán ra vẫn được các doanh nghiệp giữ trong khoảng 2 triệu đồng/lượng (không đổi từ tuần trước).
Trong tuần, thương hiệu này cả 5 phiên đều đi lên, so với phiên đầu tuần giá vàng SJC đã tăng 1,6 triệu đồng mỗi lượng cả chiều mua và bán ra.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu thông báo giá vàng Rồng Thăng Long từ 67,78-68,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng mỗi lượng. So với phiên đầu tuần thương hiệu này tăng 1 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, sau nhiều phiên điều chỉnh khác nhau, giá vàng Rồng Thăng Long tiếp tục thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 12,3 triệu đồng/lượng.
Minh Hoa (t/h)