Theo kết quả kiểm tra độc lập do phòng thí nghiệm Valisure, có trụ sở tại thành phố New Haven, bang Connecticut (Mỹ) vừa công bố, họ phát hiện hàm lượng cao chất hóa học benzene, có thể gây ung thư, trong một số sản phẩm trị mụn của các thương hiệu như Clinique (Estee Lauder), Up & Up (Target) và Clearasil (Reckitt Benckiser).
Sản phẩm trị mụn chứa chất gây ung thư "cao không thể chấp nhận"
Theo đó, Valisure đã phát hiện hàm lượng benzene ở mức "cao không thể chấp nhận được" trong cả các sản phẩm trị mụn được kê đơn và không cần kê đơn có chứa hoạt chất benzoyl peroxide.
Những sản phẩm khác cũng bị phát hiện chứa benzene như Proactiv, PanOxyl, xà phòng trị mụn của Walgreens và kem trị mụn của Equate Beauty, thuộc chuỗi bán lẻ Walmart.
Các kết quả kiểm tra cho thấy một số sản phẩm có hàm lượng benzene cao gấp 800 lần mức giới hạn mà Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra để làm điều kiện cấp phép lưu hành.
Đáng lo ngại, không chỉ các sản phẩm trị mụn mà tác nhân gây ung thư này có thể rò rỉ ra bên ngoài bao bì, dẫn tới nguy cơ hít phải chất gây ung thư. Valisure đã nộp đơn kiến nghị lên FDA kêu gọi thu hồi, điều tra và điều chỉnh hướng dẫn lưu hành các sản phẩm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 7-3, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay hiện nay các sản phẩm mỹ phẩm dùng trên da chứa thành phần benzene và benzoyl peroxide chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Chỉ duy nhất sản phẩm xà phòng Panoxyl Soap Free Cleanser (nhãn hàng Panoxyl) đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, trong công thức sản phẩm không có thành phần benzene và benzoyl peroxide.
Làm sao để tránh bị nhiễm benzene từ mỹ phẩm?
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, tại Việt Nam, các sản phẩm mà Valisure cảnh báo được rao bán trên một số trang thương mại điện tử, chủ yếu là hàng xách tay.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo khi mua các loại mỹ phẩm, người tiêu dùng cần chú ý đọc kỹ các thành phần, hạn sử dụng. Nên mua những sản phẩm đã được cấp phép tại Việt Nam, tránh mua các mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết benzene là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi ngọt và rất dễ cháy.
"Đây là hóa chất phổ biến, có trong cao su, nhựa đường, sơn và trong nhiều nguyên liệu tổng hợp. Benzene được dùng để chế tạo thuốc nổ, hóa chất nhiếp ảnh, thuốc nhuộm, keo dán, sơn, chất tẩy rửa, thuốc và hóa chất diệt côn trùng. Trong dầu gội, benzene đóng vai trò là chất dung môi để dầu sủi bọt.
Nhiễm độc benzene rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Vì vậy, công tác dự phòng phải đặt lên hàng đầu.
Trường hợp tiếp xúc qua da như dùng dầu gội, kem dưỡng da… người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc trường diễn, tức là ngấm độc từ từ. Do đó, khi chọn sản phẩm chăm sóc cơ thể, nên ưu tiên loại có nguồn gốc từ thiên nhiên", ông Thịnh khuyến cáo.
Hiện tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm diễn ra trên mạng Internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội đang rất khó kiểm soát.