Đỏ mắt tìm bạn thuyền
Những ngày này biển động, tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh cũng như các địa phương lân cận vào neo đậu tại âu cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) khá đông đúc. Tàu thuyền vào neo đậu tại đây được xếp theo hàng để tránh va đập khi thủy triều lên.
Ông Trần Hữu Khánh (52 tuổi, trú thị trấn Lộc Hà) cho biết gia đình ông đóng tàu cá có công suất 100 CV đi lặn bắt tôm, cua. Mỗi chuyến ra khơi tàu cần 12 lao động, nhưng đến nay vẫn chưa tìm đủ bạn thuyền để ra khơi. Do nhân lực tại chỗ không có, ông phải tìm bạn thuyền ở các tỉnh phía Nam.
"Trước đây, tại địa phương có hơn 100 người hành nghề đi lặn, nhưng hiện nay số người theo nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là đi lặn vất vả nên ngày càng nhiều người bỏ nghề tìm công việc khác. Thiếu lao động kéo dài, các chủ tàu phải căng mình tìm bạn thuyền tránh để tàu nằm bờ" - anh Khánh nói.
Theo các ngư dân ở Hà Tĩnh, lực lượng đi biển hiện đang già hóa, trong khi đó lớp trẻ không mặn mà với nghề truyền thống.
Một số lao động đi biển nhiều năm nhưng do lớn tuổi không muốn bám biển mà theo một nghề khác an toàn hơn. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khiến lao động đi biển thiếu, các chủ tàu "đỏ mắt" tìm bạn thuyền, nhất là tìm lao động đi đánh bắt xa bờ.
"Tàu của gia đình tôi mỗi chuyến đi biển cần 8 lao động, nhưng do thiếu bạn thuyền nên có chuyến chỉ 5 người cũng phải ra khơi. Thiếu bạn thuyền nên cường độ lao động vất vả. Mỗi chuyến vào bờ lao động nghỉ dài ngày hơn để lấy lại sức, dẫn đến tần suất các chuyến đi biển giảm" - anh Nguyễn Đức Hải (ngụ xã Thạch Kim) nói.
Lao động đi biển đang già hóa?
Ông Phạm Duy Khánh - phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim - cho biết tình trạng thiếu hụt lực lượng đi biển đang là thực trạng chung. So với mặt bằng của toàn huyện Lộc Hà, địa phương này là một trong những xã có lượng người sống bằng nghề đi biển nhiều nhất, nhưng hiện nay cũng chỉ có 370 lao động đang hành nghề.
Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như lớp trẻ chọn đi học hoặc xuất khẩu lao động. Tàu thuyền nhiều thời điểm ra khơi thua lỗ, chủ tàu không có chi phí chia cho bạn thuyền nên họ tìm một công việc khác ổn định hơn.
Mặc dù chính quyền địa phương luôn vận động ngư dân vươn khơi giữ nghề truyền thống, song việc thiếu lao động đi biển vẫn khó cải thiện và đang là vấn đề nan giải.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 2.699 chiếc tàu thuyền đăng ký hoạt động, trong đó có 393 chiếc hoạt động vùng lộng; 89 chiếc hoạt động vùng khơi và 2.217 chiếc hành nghề lưới rê, câu hoạt động ven bờ. Tổng số lao động hoạt động khai thác thủy sản của toàn tỉnh trên 14.000 người, chủ yếu tuổi đời trung bình trên 40 tuổi.
Lực lượng lao động trẻ đi biển hiện nay khá thấp do đa phần chọn ngành nghề khác hoặc xuất khẩu lao động thay vì tham gia hoạt động khai thác trên biển; đây là một xu hướng phổ biến trên địa bàn do nghề biển là nghề vất vả, rủi ro.
"Định hướng phát triển thủy sản của nước ta hiện nay là giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Vì vậy, mục tiêu là giảm các loại tàu khai thác không thân thiện, giảm tàu ven bờ và thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho các ngư dân khai thác thủy sản sang các nghề khác như du lịch, dịch vụ, nuôi trồng" - một cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh thông tin.
Những ngày này tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), hàng chục tàu cá lại tất bật chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết. Với họ, ăn Tết trên biển cũng ấm cúng, thiêng liêng như trên đất liền.