Chiều 8/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo tập đoàn SK của Hàn Quốc, tại thủ đô Canberra, nhân chuyến thăm chính thức Australia, sau khi dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia. SK là một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất của Hàn Quốc, một trong những tập đoàn đầu tư lớn trong các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.
Giới thiệu với Thủ tướng về chuỗi giá trị LNG trung hòa carbon, Giám đốc quốc gia của SK tại Australia cho biết tập đoàn có nhiều dự án xuyên biên giới đang được triển khai tại các quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Timor Leste.
Các dự án này sử dụng nguồn khí thiên nhiên để sản xuất hydrogen xanh, và điểm mấu chốt là dùng các mỏ khí đã cạn kiệt làm nơi lưu trữ vĩnh viễn CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. SK khẳng định chuỗi dự án này có thể tạo năng lượng sạch vì thu giữ được 98% lượng khí thải ra.
Lãnh đạo SK mong muốn triển khai mô hình trên tại Việt Nam. Mô hình này vốn cần ba quốc gia tham gia, nhưng với lợi thế của Việt Nam, có thể hoàn toàn thực hiện ở một nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất của SK về việc đầu tư vào dự án sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam. Ông yêu cầu SK cung cấp thêm thông tin về giá thành khai thác LNG cho chuỗi dự án tại Australia.
Sau khi nhận được câu trả lời, ông đánh giá cao mức giá thành được đề xuất và đề nghị tập đoàn làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các cơ quan liên quan, để thúc đẩy chuẩn bị dự án. Ông ủng hộ SK hợp tác chiến lược với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và khuyến khích tập đoàn cạnh tranh công bằng với các đối tác khác.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Paul Serra, Giám đốc điều hành tập đoàn SunRice - chuyên sản xuất, phân phối gạo lớn nhất Australia. Lãnh đạo Chính phủ mong muốn Tập đoàn với mạng lưới và sự ảnh hưởng của mình, sẽ hỗ trợ kết nối các đối tác Việt Nam với đối tác Australia để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
Lãnh đạo Chính phủ mong muốn SunRice tiếp tục mở rộng đầu tư và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng gạo tại Việt Nam; tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp Việt, làm việc trực tiếp với nông dân để ổn định đầu ra và đầu vào. Việc xây dựng các kho chứa cũng được khuyến khích, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và chất lượng của các sản phẩm gạo Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong ngành thực phẩm Halal.
Thủ tướng đề nghị SunRice trao đổi trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để tìm kiếm đối tác và triển khai các dự án hợp tác cụ thể. Các dự án này cần mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, đặc biệt là việc tham gia chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài lúa gạo, Thủ tướng cũng đề nghị SunRice nghiên cứu mở rộng hoạt động sang các loại nông sản khác phong phú tại các vùng miền khác nhau của Việt Nam như trái cây và thủy sản. Tập đoàn nên đầu tư lâu dài, ổn định và bền vững trên tinh thần lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro.
SunRice thành lập năm 1950, hiện chiếm khoảng 90% thị phần gạo Australia. Tập đoàn đã phát triển nhiều hoạt động trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng gạo với hơn 30 thương hiệu và hơn 2.000 nhân viên tại 50 quốc gia. Năm 2023, doanh thu Tập đoàn đạt khoảng 1,64 tỷ USD.
Năm 2008, Tập đoàn đã mua cổ phần chi phối tại nhà máy chế biến gạo Lấp Vò tại tỉnh Đồng Tháp với công suất chế biến khoảng 260.000 tấn lúa khô một năm. Từ năm 2022 đến nay, SunRice đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) triển khai dự án "Phát triển chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long" với mục tiêu phát triển giống có năng suất và chất lượng cao phục vụ thị trường tiêu dùng quốc tế.
Cùng trong chiều 8/3, Thủ tướng tiếp lãnh đạo hai tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản của Australia, gồm ông Ian Jeffrey Gandel, Chủ tịch tập đoàn ASM và ông Oliver Kleinhempel, Chủ tịch tập đoàn EQ Resources. Lãnh đạo hai tập đoàn cho biết đang quan tâm, tìm hiểu về định hướng thu hút đầu tư, cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng một số loại khoáng sản tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng phát triển công nghiệp khoáng sản là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi nguồn lực và công nghệ hiện đại để phát huy tiềm năng sẵn có. Các dự án khoáng sản cần triển khai theo hướng công nghệ cao, khai thác, chế biến sâu, không bán quặng thô mà nâng cao giá trị khoáng sản, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo vệ môi trường.
"Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam", ông nói.
Hoàng Thùy