Các giao dịch nói chung trên thị trường bất động sản đang diễn biến tích cực. Báo cáo kinh tế xã hội mới nhất hai tháng đầu năm 2024 của TP Hồ Chí Minh, ngành kinh doanh bất động sản đã ghi nhận đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem kết quả ban đầu cho cả một quá trình nỗ lực của chính quyền Thành phố và khối doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn trong việc tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, cũng như hoạt động tái cấu trúc vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Hai tháng đầu năm nay, doanh thu ngành bất động sản TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm vào năm 2023, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản đang phát đi một số tín hiệu cho thấy sự phục hồi trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo, chặng đường đi lên của thị trường bất động sản sẽ còn nhiều gian nan và gập ghềnh.
Hai tháng đầu năm nay, doanh thu ngành bất động sản TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại
Báo cáo trong cuộc họp kinh tế TP Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Sở Xây Dựng cho biết, trong năm qua, tổ công tác của Thành phố và Chính phủ đã tháo gỡ và giải quyết một số vướng mắc cho 44 dự án trong 148 dự án đang gặp khó khăn về pháp lý.
Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hàng tuần, thường trực Ủy ban cùng các Sở ngành họp để giải quyết từng dự án cụ thể để có thể tháo gỡ được những công việc cụ thể".
Theo Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, bối cảnh chung cũng tạo điều kiện cho sự trở lại của thị trường như môi trường lãi suất giảm làm giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp. Mức giá đã được điều chỉnh, có những dòng sản phẩm giảm từ 20-30% so với trước đang thu hút nhiều dòng vốn đầu tư quay trở lại thị trường.
Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi cho rằng nó không chỉ tích cực quý này mà sẽ tích cực từ giờ đến quý 2. Bởi vì chính sách tài chính, chính sách lãi vay thấm vào nền kinh tế từ vài tháng đến một năm, thêm nữa là nới room tín dụng, cho vay tốt hơn, tiền chảy vào doanh nghiệp… Đến quý 2, quý 3 chúng ta sẽ thấy nó tích cực hơn. Nhưng không phải tăng ầm ầm, tăng kỳ vọng một cách đột phá mà sẽ tích cực trở lại so với năm 2023 nhiều hơn".
Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, sự phục hồi này sẽ rất khó khăn khi thị trường vẫn còn nhiều vấn đề được xem là "gốc rễ" như các điểm nghẽn về pháp lý, áp lực đáo hạn nợ trái phiếu, dòng tiền. Do đó, ông cho rằng cần sớm cụ thể hóa và đi vào thực thi các Luật mới liên quan để khơi thông pháp lý. Từ phía các doanh nghiệp cần tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung ngành kinh doanh cốt lõi.
"Trong ngành kinh doanh cốt lõi, phải định vị đâu là phân khúc có lợi thế cạnh tranh nhất và tập trung vào đó. Sau đó, phải gom nguồn lực để xử lý ra ngô ra khoai, ra tấm ra món những dự án then chốt của mình" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Quan sát trên thị trường TP Hồ Chí Minh hiện nay, gần chục dự án đã và đang được mở bán, giới thiệu đến khách hàng. Tuy nhiên, đa số thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có tiềm lực uy tín, tập trung ngành kinh doanh cốt lõi.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố nhận định, thị trường đang bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh hơn kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.76193937180304202-ial-ort-gnoud-gnourt-gnat-hnim-ihc-oh-pt-o-nas-gnod-tab-hnagn/et-hnik/nv.vtv