Thông tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết từ sau đại dịch Covid-19, BV đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân (BN) nhiễm HIV/AIDS, trong đó có nhiều BN nặng.
VÀO BV ĐÃ LÀ GIAI ĐOẠN CUỐI
Theo TS-BS Võ Triều Lý, Khoa Nhiễm E, BV Bệnh nhiệt đới, sau đại dịch Covid-19, số lượng BN HIV/AIDS gia tăng cả về số lượng và độ nặng. Độ tuổi người nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa, trung bình từ 20 - 25 tuổi, và 80% là đồng giới nam.
"Đường lây truyền HIV chủ yếu là quan hệ tình dục đồng giới, điều này khác so với 20 năm về trước là tiêm chích ma túy, quan hệ với gái mại dâm. Xu hướng này phù hợp với xu hướng trên thế giới", TS-BS Lý nói và phân tích thêm: Một đặc điểm nữa là hầu hết BN nhiễm HIV/AIDS thuộc nhóm có học hành và đào tạo, công việc ổn định, nhân thân tốt, nhân viên y tế có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Nhưng đây cũng là rào cản để họ bộc lộ thông tin, họ có thể biết mình nhiễm HIV nhưng vì công việc, uy tín, hoặc vì lý do nào đó mà họ không tiếp cận sớm dịch vụ y tế nên khi phát hiện thì bệnh đã nặng.
"Vì vậy, sau đại dịch Covid-19, số BN HIV/AIDS nặng tăng lên và đến thời điểm này chưa có điểm dừng. Nếu trước đây, Khoa Nhiễm E chỉ có trên dưới 40 BN nặng thì nay đã lên trên 80 BN", TS-BS Lý cho hay.
Tiếp cận phát hiện sớm, điều trị sớm
Theo TS-BS Lý, BN HIV giai đoạn cuối hứng chịu rất nhiều nhiễm trùng cơ hội, do đó tăng tỷ lệ tử vong. Vấn đề cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng, có thêm nhiều đồng đẳng viên, và cần có công cụ tự xét nghiệm để BN biết, đồng thời nhận thức rõ nếu phát hiện nhiễm HIV thì phải tiếp cận dịch vụ y tế sớm, còn không nhiễm thì yên tâm. Biện pháp tự xét nghiệm cũng cần được hướng dẫn rõ ràng và dễ tiếp cận.
Theo chiến lược tiếp cận sắp tới, nhóm nguy cơ cao cần phải được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm gồm đồng giới nam, nam chuyển giới nữ, vợ chồng có một người nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy. Chiến lược quốc gia về điều trị bệnh mạn tính từ xa cũng được kỳ vọng sẽ giúp người bệnh rút ngắn thời gian đi lại, tiếp cận thuốc sớm hơn.
Về điều trị, hiện BV Bệnh nhiệt đới có những xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm các bệnh cơ hội trên người nhiễm HIV đi điều trị sớm, giảm được tử vong ở BN nặng. Trong đó, lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội hàng đầu đối với BN HIV/AIDS; tiếp theo là nấm gây viêm màng não, nhiễm nấm máu; viêm phổi do nấm. Một số trường hợp sốt kéo dài, tiêu chảy kéo dài do suy kiệt, hệ miễn dịch giảm. Có BN mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cùng lúc.
Theo TS-BS Võ Triều Lý, nhiễm HIV/AIDS hiện cần được phát hiện sớm và điều trị tích cực, phù hợp để giảm tử vong và ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng. Chẳng hạn BN nhiễm trùng cơ hội - lao có thuốc điều trị lao, do nấm đã có thuốc kháng nấm. Vì vậy, thuốc điều trị đặc hiệu là có nhưng quan trọng là làm sao phát hiện sớm các bệnh cơ hội này. Khi các bệnh cơ hội ổn định, khởi động điều trị thuốc ARV cho BN kịp thời sẽ cải thiện tiên lượng của người bệnh. Với chiến lược điều trị HIV tốt như hiện nay thì lượng BN nặng sau xuất viện phải tái nhập viện rất thấp.
"Trước đây, tỷ lệ tử vong chung của BN HIV/AIDS nặng trên dưới 30%, tùy theo BN mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội ra sao. Hiện nay, cùng với các xét nghiệm hiện đại, trang thiết bị y tế tốt, thuốc men đầy đủ, và kinh nghiệm điều trị của BV thì tỷ lệ này giảm rất nhiều, khoảng 10 - 15%", TS-BS Lý cho biết.
Cũng theo TS-BS Lý, HIV/AIDS hiện được xem là bệnh mạn tính và điều trị được BHYT chi trả. Do đó, cùng với chính sách thông tuyến, BN ngại điều trị cơ sở y tế gần nhà thì có thể qua địa phương lân cận để sử dụng dịch vụ y tế.
"Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có những chiến lược sàng lọc sớm ngoài cộng đồng, tăng cơ hội cho BN tiếp cận thuốc ARV - đây là thuốc then chốt quyết định sự sống còn của BN. Nhưng nhóm BN không được tiếp cận còn nhiều vì các lý do như đã nói nên khi họ vào BV ở giai đoạn cuối, là điều đáng tiếc", TS-BS Lý chia sẻ thêm.
Quan ngại nhiễm HIV trong giới MSM
Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1990 tính đến cuối năm 2023, TP.HCM đã phát hiện được 86.161 người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV còn sống và được quản lý là 52.235 người, trong đó có 48.172 người đang điều trị.
Tính riêng trong năm 2023, TP.HCM phát hiện 4.117 người nhiễm HIV đưa vào danh sách quản lý, trong đó số người nhiễm có địa chỉ hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm đến 59,4%. Số tử vong trong năm là 269 người.
Kết quả giám sát HIV của HCDC cho thấy tỷ lệ lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng đích, như nhóm phụ nữ bán dâm là 2%, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là 12,3%, nhóm nghiện chích ma túy là 4,67%... Hiện nay, nhóm MSM có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất, đặc biệt là tập trung ở nhóm MSM trẻ tuổi. Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2022 về các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, tỷ lệ sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần nhất qua đường hậu môn với bạn tình nam chỉ có 58%. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối tượng có nhiều hành vi nguy cơ cao đối với lây nhiễm HIV như sử dụng các chất ma túy tổng hợp, bán dâm, tham gia hành vi quan hệ tình dục tập thể. Đây có thể là những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này.
Hiện nay TP.HCM có 43 cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, các bệnh viện, nhóm doanh nghiệp xã hội, các phòng khám tư. TP.HCM đã và đang tiếp tục tăng cường triển khai chuỗi các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV toàn diện. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV. Chú trọng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Chú trọng việc xét nghiệm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi ở các trường học và khu công nghiệp đông nam giới.
Về hệ thống chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, tính đến nay, công tác điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại TP.HCM đã hơn 20 năm. Đến ngày 31.12.2023, trên địa bàn TP.HCM có 40 cơ sở điều trị công và tư cho bệnh nhân HIV/AIDS. Trong số đó có 38 cơ sở điều trị cung cấp các dịch vụ điều trị và thuốc ARV qua BHYT.
Quản lý bệnh không lây ở BN nhiễm HIV
HCDC vừa tổ chức hội thảo sơ kết hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh không lây trên người nhiễm HIV năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024 tại TP.HCM. Theo HCDC, một nghiên cứu tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy cứ 2 người nhiễm HIV thì có 1 người bị rối loạn lipid máu, 4 người thì có 1 người bị cao huyết áp. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ mắc mới suy thận mạn ở người nhiễm HIV cao gấp hơn 10 lần so với dân số chung. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần phụ nữ không nhiễm HIV.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết việc tổ chức sàng lọc bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Thực tiễn cho thấy BN nhiễm HIV chủ yếu điều trị các bệnh không lây ở BV và phòng khám nội khoa, chính vì vậy, để quản lý tốt trong việc điều trị hiệu quả cho BN thì cần tăng cường tư vấn, hỗ trợ các thủ tục chuyển gửi BN điều trị, làm sao để BN phản hồi lại thông tin cho phòng khám và điều trị ngoại trú dành cho BN HIV/AIDS (OPC). Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến chất lượng khám và sàng lọc, tư vấn cho BN trong thời gian tới.
Việc quản lý các bệnh không lây nhiễm thường gặp ở người nhiễm HIV đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM từ tháng 4.2021 tại 3 phòng khám ngoại trú HIV đầu tiên ở Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, H.Bình Chánh. Tính đến tháng 12.2023 đã có 27 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS được triển khai thí điểm.