Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng mạnh vào năm 2023, đi ngược lại xu hướng toàn cầu ngay cả khi nền kinh tế số 2 thế giới gặp khó.
Báo cáo của Đại học Griffith tại Brisbane và Đại học Fudan ở Thượng Hải cho thấy tổng đầu tư của trên khắp châu Á-Thái Bình Dương đạt gần 20 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 37%. Nước này cũng thu về các hợp đồng xây dựng trị giá khoảng 17 tỷ USD (một phần là với các khoản vay của Trung Quốc), tăng khoảng 14% so với năm 2022.
Báo cáo cho biết những con số này trái ngược hoàn toàn với mức giảm 12% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các nền kinh tế mới nổi của châu Á năm ngoái.
Phần lớn hoạt động đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tập trung vào các quốc gia có liên kết Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng. Theo dữ liệu do Christoph Nedopil, giám đốc Viện Griffith Châu Á cung cấp, đầu tư vào các quốc gia không thuộc BRI đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 120 triệu USD, giảm 90% so với năm 2022. Những bên tham gia BRI cũng chiếm 92% tổng số hợp đồng xây dựng.
Báo cáo cho biết khoảng 50% đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2023 được rót vào Đông Nam Á, tương đương khoảng 10 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước. Indonesia - nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất lọt vào nhóm G20 và có GDP bình quân đầu người đứng thứ 4 trong khu vực, là nước nhận đầu tư nhiều nhất với khoảng 7,3 tỷ USD.
Một phần đáng kể trong số đó là việc TikTok mua lại 75% cổ phần của sàn thương mại điện tử Tokopedia thuộc tập đoàn công nghệ Indonesia GoTo với giá 840 triệu USD. Động thái này là một phần nỗ lực của gã khổng lồ internet Trung Quốc nhằm quay trở lại thị trường thương mại điện tử Indonesia sau khi các cơ quan quản lý buộc TikTok phải tách các tính năng mua sắm khỏi các chức năng mạng xã hội vào tháng 10 năm ngoái.
Nhìn chung, các công ty tư nhân Trung Quốc thống trị đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm qua. Trong khi đó, hoạt động xây dựng, giống như năm ngoái, chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc dẫn đầu.
Hầu hết các nhà đầu tư tư nhân mới đều tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu pin. Điều này cho thấy Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng tái tạo và khoáng sản quan trọng của thế giới.
Chiết Giang Huayou Cobalt, một trong những nhà tinh chế coban lớn nhất thế giới, đóng góp 21,2% vào tổng vốn đầu tư, tiếp theo là tập đoàn thương mại điện tử Alibaba với 11,6%.
Các động thái của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại và khai khoáng, đặc biệt là các tài nguyên liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh như lithium và vật liệu pin như niken cho xe điện, tập trung vào Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Tổng vốn đầu tư cho các lĩnh vực này đạt 5,3 tỷ USD, tăng 130% so với năm 2022.
Các khoản đầu tư đáng chú ý vào lĩnh vực xe điện bao gồm liên doanh giữa Chiết Giang Huayou Cobalt và LG Chem tại Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có các nhà máy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Báo cáo dự đoán đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong khu vực sẽ phục hồi hơn nữa trong năm nay. Điều này được thúc đẩy nhờ quá trình chuyển đổi xanh ngày càng gấp rút cũng như nhu cầu trong nước suy yếu khiến các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Theo Nikkei Asia