Theo một báo cáo gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc, những tiến bộ của Trung Quốc trong 136 công nghệ chủ chốt lần đầu tiên đã vượt xa Hàn Quốc vào năm 2022.
Bộ này cho biết vào tuần trước rằng, bảng xếp hạng của Seoul lấy trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Mỹ vào năm 2022 làm tiêu chuẩn. Trong đó, trình độ phát triển của Liên minh châu Âu đạt mức 94,7%, đứng thứ hai toàn cầu. Theo sau là Nhật Bản với 86,4%, Trung Quốc với 86,2% và Hàn Quốc với 81,5%, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc cho biết vào tuần trước.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, theo bảng xếp hạng gần nhất trước đó vào năm 2020, Hàn Quốc đạt mức 80,1% và đã vượt qua Trung Quốc với 80% một cách sít sao.
Bảng xếp hạng này được thực hiện hai năm một lần bằng cách xem xét các bài báo học thuật và bằng sáng chế trong 11 lĩnh vực, bao gồm xây dựng và vận tải, vũ trụ, hàng không và đại dương, quốc phòng, sản xuất cơ khí, tài nguyên, công nghệ thông tin và phần mềm.
Bảng xếp hạng mới được công bố tuần trước ước tính rằng, vào năm 2022, Trung Quốc chậm hơn Mỹ 3 năm về trình độ công nghệ trong khi Hàn Quốc chậm hơn 3,2 năm. Cả hai nước đều chậm hơn Mỹ khoảng 3,3 năm vào năm 2020.
Trung Quốc đã và đang tránh xa việc 'bắt chước'
Zhang Huizhi - giáo sư nghiên cứu về Đông Bắc Á tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) - cho biết, mặc dù khoảng cách với Nhật Bản và châu Âu ngày càng lớn, việc truyền thông Hàn Quốc tập trung vào Trung Quốc cho thấy nước này đang lo lắng về việc bị Trung Quốc vượt qua.
"Hàn Quốc đã coi là chuyện đương nhiên rằng Mỹ, EU và Nhật Bản từ lâu đã phát triển hơn họ nên việc họ không bắt kịp cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, thật không thể chấp nhận được và thật đáng buồn khi họ đã bị vượt qua bởi Trung Quốc - quốc gia mà họ từng có lợi thế về khoa học và công nghệ", bà Zhang nói.
Bà Zhang nói thêm, do đó, Hàn Quốc đang tăng cường kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc, ngăn chặn trao đổi công nghệ và rò rỉ công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc.
Park Ki-Soon - giáo sư chuyên nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Trường Cao học Trung Quốc thuộc Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) - gọi sự tiến bộ tương đối nhanh chóng của Trung Quốc trong các công nghệ chủ chốt là một "kết quả đã được kỳ vọng phần nào từ trước", vì Trung Quốc đã và đang tránh xa việc "bắt chước" và hiện đang tập trung nỗ lực vào đổi mới công nghệ.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Hàn Quốc chứng kiến thâm hụt thương mại 18 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2023 - mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã xuất khẩu 124,8 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, giảm 20% so với năm 2022; trong khi nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 8% xuống còn 142,8 tỷ USD.
Giáo sư Park chỉ ra rằng, điều này phần lớn là do lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc đang giảm dần do sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
"Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc sẽ trở nên cố hữu. Và rộng hơn, điều đó có nghĩa là Hàn Quốc và Trung Quốc - các cường quốc sản xuất toàn cầu - sẽ tham gia vào một cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần trên thị trường toàn cầu", ông Park nói.
Bắc Kinh dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ chủ chốt
Theo SCMP, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư và nỗ lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn để cạnh tranh với Mỹ. Điều này liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập kế hoạch phát triển, bồi dưỡng và tuyển dụng nhân tài.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc gia cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc chỉ chiếm 2,64% GDP của nước này vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức được thấy ở Mỹ và Hàn Quốc.
Giáo sư Park giải thích, Bắc Kinh đang dẫn đầu trong việc phát triển các công nghệ chủ chốt bằng cách liên kết các viện nghiên cứu của chính phủ, học viện, tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả các tổ chức liên quan đến quốc phòng và có nguồn nhân lực khổng lồ.
"Mặc dù có thể có sự kém hiệu quả về mặt kinh tế do thất bại của một số dự án trong quá trình này, nhưng dường như nó đang đạt được những thành quả to lớn trong các nhiệm vụ công nghệ", ông Park nói.
Giáo sư Park nói thêm rằng, sự vượt trội về công nghệ của Trung Quốc dự kiến sẽ là "gánh nặng lớn" đối với Hàn Quốc, và Seoul cần có định hướng rõ ràng hơn, trong đó nên hướng tới tầm nhìn vĩ mô và định hướng tương lai về phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
"Đặc biệt, vai trò của chính phủ được cho là có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cơ bản… Cụ thể, việc mở rộng đều đặn tỷ lệ nghiên cứu và phát triển trên GDP, và sử dụng nguồn vốn dành cho nghiên cứu và phát triển một cách hiệu quả là rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả so với chi tiêu", ông Park nói.
Kim Dae-jong - giáo sư kinh doanh tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) - cho biết, Hàn Quốc thua xa Trung Quốc trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ - nơi "Trung Quốc cho đến nay đã đầu tư nhiều vốn và nhân lực với mục tiêu thúc đẩy khoa học".
Tuy nhiên, ông Kim lưu ý rằng, "Hàn Quốc đứng đầu về pin thứ cấp và chất bán dẫn" và có thể duy trì lợi thế cạnh tranh nếu tập trung nguồn vốn và nhân lực vào "các lĩnh vực có thể đánh bại Trung Quốc".