vĐồng tin tức tài chính 365

Căng sức phòng lửa cho rừng Phú Quốc

2024-03-09 12:05
Cỏ cây ở rừng xã Bãi Thơm khô vàng vì nắng nóng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cỏ cây ở rừng xã Bãi Thơm khô vàng vì nắng nóng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cái nắng những ngày đầu tháng 3-2024 ở đảo Phú Quốc vẫn nóng bạo. Càng vào sâu rừng tràm ở xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc (rừng rộng 2.000ha và có nguy cơ cháy cao), chúng tôi càng thấy rừng bị kiệt nước, héo lá, cây cỏ cháy đen lốm đốm, thiếu màu xanh của sự sống và sẵn sàng bùng cháy mạnh nếu có nguồn lửa bất cẩn.

Ăn, ngủ cùng rừng Phú Quốc

Đứng trong rừng nhưng chúng tôi cảm nhận một vài cơn gió lâu lâu lùa nhẹ làm cho cái nóng ở đồng tràm Bãi Thơm càng hực lên hầm hập. Các đường băng cản lửa xẻ dọc xẻ ngang trong rừng cũng bốc lên những làn khói mỏng mờ ảo vì nóng.

Để đo mức độ khô hạn của rừng tràm, ông Phạm Viết Giáp - trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phú Quốc - dùng tay hốt lên một nắm lá, cành cây khô rụng vương vãi dưới đất rồi bóp kêu nghe "rốp, rốp".

Tiếng kêu giòn của lá và cành cây hòa cùng bụi bay trong gió khiến ông Giáp quả quyết rừng tràm đang rơi vào thời điểm khô hạn nhất, có nguy cơ cháy cấp V - mức độ cực kỳ nguy hiểm.

"Đồng tràm xã Bãi Thơm là điểm có nguy cơ cháy cao lắm. Do đó cứ 10h sáng hằng ngày là anh em chúng tôi phải chuẩn bị nước uống và các dụng cụ cần thiết rồi chia nhau đi nhiều hướng vào rừng. Đi liên tục rất mệt, vã mồ hôi nhưng chẳng ai dám nghỉ. Bảo vệ rừng là việc anh em vẫn hay dặn dò nhau không thể lơ là được", ông Giáp nói.

Giữa đồng tràm, ông Giáp, anh Xuyên và các anh em khác ở Vườn quốc gia Phú Quốc dựng lên lán trại tạm bợ (rộng khoảng 15 - 20m2) bốn bề xung quanh được che bằng tấm bạt. Gió rừng mặc sức lùa vào cả đêm lẫn ngày.

Trong lán chẳng có gì quý giá ngoài hai giường ngủ, bếp gas, thùng nước lọc, ít gói mì và bọc bánh tây được các anh treo trên vách để ăn chống đói khi đi kiểm tra về.

"Tôi và anh em ở đây đều có gia đình riêng. Nhớ vợ nhớ con thì lâu lâu chỉ ráng sắp xếp về thăm một đêm rồi anh em lại quay vội vào rừng. Sống chung và ăn ngủ cùng rừng riết đâm ra quen rồi" - ngồi kế ông Giáp, anh Phạm Huy Xuyên (lực lượng bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phú Quốc) góp lời rồi cười tươi, để lộ gương mặt cháy nắng đen bóng.

Đảm bảo "giờ vàng" chữa cháy rừng

Dùng xe máy chở chúng tôi theo các lối mòn xuyên rừng tràm, anh Lê Thế Sơn - đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng ở Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) - cho biết rừng có hệ sinh thái cỏ cây phong phú và có vị trí rất đặc biệt.

Mùa mưa rừng Phú Quốc nước ngập lênh láng. Mùa nắng thì hanh khô, đất đai nứt nẻ nên việc bảo vệ rừng của các anh rất vất vả.

"Mần cái việc bảo vệ rừng tôi thấy mưa hay nắng gì cũng có cái khó riêng hết, nhưng yêu nghề thì cũng có niềm vui và làm được thôi", anh Sơn vui vẻ nói.

"Rừng thiêng nước độc" - đó là câu nói được anh Sơn ví von về nghề giữ rừng sẽ gặp nhiều hiểm nguy. Đặc biệt để phòng cháy rừng, ngăn chặn người lạ vào đốt ong, bắt cá, cưa cây, các anh cũng có bí quyết riêng.

"Rừng đi riết đâm quen, chẳng lạ gì đâu, biết người vào hay không thì chúng tôi chỉ cần nhìn dấu chân trên nền đất cát. Có dấu chân lạ hoặc cỏ cây có dấu, bẻ gãy là có người vô", anh Sơn chia sẻ bí quyết.

"Gặp người lạ vào rừng, chúng tôi thường tuyên truyền, thuyết phục. Lắm lúc có người cãi lại, chống cự, anh em phải phối hợp lực lượng chức năng địa phương dùng biện pháp mạnh để bảo vệ rừng", ông Giáp kể.

Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý 37.200ha rừng, địa hình phức tạp, chia cắt và không có cửa rừng, công cụ phục vụ phòng cháy chữa cháy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nếu như có xảy ra cháy. Do đó, ông Giáp nói điều đáng quan tâm trong chữa cháy rừng là phải đảm bảo giờ vàng - dập tắt lửa trong vòng 1 giờ.

Vì thế, xen kẽ với các đường băng cản lửa, anh em Vườn quốc gia Phú Quốc phải đào giếng nước (giếng rộng khoảng 100m2, sâu 4 - 5m nước) hoặc chôn thùng phuy nước dưới đất (chứa khoảng 2.000 lít nước) để chủ động dập nhanh lửa khi có sự cố xảy ra cháy.

"Cháy rừng thường lan diện rộng, nguy hiểm lắm nên chúng tôi khi dập lửa phải đảm bảo có ba lớp - gồm người phun nước đi đầu, người đi tiếp theo dập tàn lửa và người còn lại quan sát xử lý tình huống khác xảy ra", ông Giáp nói.

Theo ông, cây rừng có chỗ cao chỗ thấp nên kết hợp với gió thổi than bay ngược lại rồi cháy phía sau lưng người chữa cháy. Người chữa cháy lúc đó chỉ cần xử lý, đốt lửa gần chỗ đứng để tạo khu vực trống an toàn.

Người chữa cháy rừng nên chữa theo hình chữ V (chữa hai bên cháy rồi gom lần vào ngọn lửa). Trường hợp cháy lớn và muốn cắt ngọn lửa lan nhanh và rộng, họ thường nhìn hướng gió thổi rồi sử dụng cách đốt ngược (tức đốt lửa xen kẽ trước đám cháy). Cách làm này rừng sẽ bị cháy lốm đốm, cắt nguyên vật liệu cháy, góp phần hạn chế lửa cháy lan rộng.

"Không nhớ nổi đó giờ Phú Quốc xảy ra bao nhiêu lần cháy, nhưng cách chữa cháy trên giúp chúng tôi và lực lượng địa phương khống chế nhiều đám cháy rừng lớn nhỏ ở Phú Quốc thành công" - ông Giáp nói xong lại chạy xe máy dọc theo đường rừng quan sát, lên phương án phân anh em trực bảo vệ rừng một cách tốt nhất.

Dân cam kết cùng giữ rừng

Băng cản lửa được làm ngang, dọc trong rừng Phú Quốc - Ảnh: C.CÔNG

Băng cản lửa được làm ngang, dọc trong rừng Phú Quốc - Ảnh: C.CÔNG

Ông Nguyễn Văn Tiệp - giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc - cho biết nắng nóng mùa khô năm nay gay gắt nên rừng tràm ở xã Bãi Thơm (TP Phú Quốc) có nguy cơ cháy cao.

Rừng cây có khô nhưng không có nguồn nhiệt của con người tác động thì ít khi xảy ra cháy. Song ông Tiệp cho biết thêm cũng có nguyên nhân khách quan khác như gió thổi các cây khô cọ vào nhau rồi cháy.

Đầu năm 2024 đến nay, tại Phú Quốc đã xảy ra 7 vụ cháy (chủ yếu cháy dây leo, cây bụi, rừng tràm tái sinh), diện tích cháy khoảng 14ha.

"Hiện chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án để phòng cháy, chữa cháy rừng. Cày băng cản lửa, đào giếng nước và lên kế hoạch cho anh em ở Vườn quốc gia Phú Quốc tăng cường kiểm tra xuyên suốt. Đơn vị cũng tuyên truyền và người dân sống ở ven rừng Phú Quốc cũng cam kết cùng nhau bảo vệ rừng", ông Tiệp cho biết thêm.

"Chứng kiến cảnh cháy rừng, tôi thấy việc chữa cháy của các anh rất cực khổ. Tôi khuyên bà con nên bảo vệ rừng và tôi cũng cam kết không đốt rác bậy bạ mùa khô này để phòng cháy rừng" - ông Nguyễn Văn Tám, người dân ở xã Cửa Dương, nói.

41.078ha rừng ở Kiên Giang có nguy cơ cháy ở cao điểm mùa khô

Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra lá khô để biết nguy cơ cháy rất cao - Băng cản lửa được làm ngang, dọc trong rừng Phú Quốc Ảnh: C.CÔNGẢnh: CHÍCÔNG

Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra lá khô để biết nguy cơ cháy rất cao - Băng cản lửa được làm ngang, dọc trong rừng Phú Quốc Ảnh: C.CÔNGẢnh: CHÍCÔNG

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh có diện tích rừng khoảng 82.652ha. Trong đó, có khoảng 41.078ha diện tích rừng ở một số khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy như Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và Kiên Hải.

Địa phương bố trí 81 trạm, chốt, lán trại với 470 lực lượng, 71 máy bơm phao, 3.500 cuộn vòi, 68 máy và 143 cuộn dây bơm áp lực.

Ngoài ra, đơn vị còn trang bị 89 máy đeo vai, 45 máy thổi gió và 88 phương tiện vận chuyển, gia cố 48 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước, phát dọn thực bì trên các tuyến kênh dài 76km, phát quang 58km đường tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng năm nay.

Nắng nóng, miền Tây cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểmNắng nóng, miền Tây cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm

Đang vào đỉnh điểm mùa khô, nhiều cánh rừng ở miền Tây dễ xảy ra cháy. Lực lượng chức năng đang tổ chức trực 24/24 giờ để bảo vệ rừng.

Xem thêm: mth.74043310190304202-couq-uhp-gnur-ohc-aul-gnohp-cus-gnac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Căng sức phòng lửa cho rừng Phú Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools