Trước năm 2017, Annet Schaap vẫn thường được biết đến như một họa sĩ minh họa cho nhiều tác phẩm thiếu nhi.
Ở tuổi ngoài năm mươi, Schaap xuất bản cuốn truyện đầu tiên viết cho thiếu nhi của mình: Đèn Nhỏ và những đứa con của biển.
Nhân vật chính là cô bé Emilia có cái tên trùng với mẹ của cô nên ông bố phát bực.
Vì thế ông gọi cô là Đèn Nhỏ, dù "đèn này không được sáng cho lắm". Đèn Nhỏ hậu đậu hay quên. Cô bé Đèn Nhỏ là con của người thắp hải đăng.
Thế giới cổ tích của Annet Schaap
Đèn Nhỏ sống cùng người cha say xỉn và giao phó nhiệm vụ cho con gái bé bỏng.
Ngày nọ, vào một đêm mưa gió bão bùng, ngọn hải đăng không được thắp và thảm họa xảy ra.
Trong những chuyện thần tiên quen thuộc về nàng Lọ Lem hay Người đẹp và quái vật, nhân vật nữ chính thường khởi đầu bằng một bi kịch.
Từ sự yếu đuối, cam chịu, nhờ trái tim nhẫn nại và thuần hậu, họ đã tìm được hạnh phúc cho mình.
Ở Đèn Nhỏ, tấm lòng hiền lương, sức chịu đựng to lớn ẩn chứa trong hình hài của một hạt tiêu.
Annet Schaap mượn những nhân vật trong các truyện thần tiên kinh điển của Andersen để dựng xây nên thế giới cổ tích riêng mình.
Trong đó có những nhân ngư, những dị nhân hội chợ, thủy quái và cướp biển. Trung tâm của tất cả đống ồn ào, điên rồ đó là một cô bé.
Một ngọn đèn dù nhỏ cũng đủ thắp sáng đời sống tối tăm, tù đọng và làm góc tối nơi tâm hồn con người tỏa rạng.
Đời là vậy
Thế giới cổ tích của Đèn Nhỏ không có ông hoàng bà chúa hay lầu son gác tía. Đó là thế giới nơi người ta vật lộn để sống, để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.
Cả khi sự tồn tại của mình luôn bị người khác phủ định, tồn tại như một vết nhơ trên quần áo phải tẩy xóa thì thế giới chưa bao giờ là một căn phòng âm u.
Cuộc đời không phải bị đóng khung bằng chiếc cửa sổ. Ta có thể sáng lên ngay cả trong cơn bão, ngay cả khi chúng ta bé nhỏ và bất toàn.
Không thiếu những trường đoạn trong tác phẩm này có thể làm trái tim sắt đá nhất cũng chầm chậm tan đi.
Đó là khi cô bé Đèn Nhỏ nhận ra con thỏ mình thương yêu đã trở thành món ăn trên bếp.
Đời là vậy, kể cả trong một câu chuyện cổ tích, nhân vật cũng cần phải sống và phải ăn.
"Chuyện đó đau lòng thật đấy, nhưng cô hiểu" - Đèn Nhỏ tự nhủ.
Những đứa trẻ không có tuổi thơ. Những đứa trẻ bị bạo hành. Những đứa trẻ lang thang không mái ấm che thân.
Những đứa trẻ trở thành trụ cột trong gia đình. Những chuyện đau lòng như thế vẫn xảy ra hằng ngày quanh ta. Ta hiểu nhưng làm sao để trái tim mình an ổn cho được?
Cũng may, trong thế giới mà Annet Schaap vẽ có thể thiếu vắng phép màu hóa ra cỗ xe bí ngô cùng váy áo, nhưng nàng công chúa nhỏ cũng chẳng cần đợi chàng hoàng tử nào đến cứu. Chính em sẽ tự cứu lấy đời mình.
Câu chuyện bắt đầu bằng một cơn bão và kết thúc cũng bằng một cơn bão. Bão dông sẽ luôn đến vào bất kỳ lúc nào trong cuộc đời này. Quan trọng là thái độ đón nhận.
Nếu cơn bão đầu truyện hủy hoại mọi thứ, thì cơn bão cuối truyện như quét sạch muộn phiền. Thế giới không trở về cái vẻ ban sơ của nó. Thì đã sao, cuộc đời là thế mà. Đèn Nhỏ hiểu và chúng ta hiểu.
Ngày 1-3-1943, Alexandre Émile Jean Yersin qua đời ở Nha Trang. Hơn 80 năm qua, ở Việt Nam nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời Yersin được xuất bản.