Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 37 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng đầu năm, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau thị trường Mỹ, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), chiếm 15,4% tỷ trọng.
Trong năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản sụt giảm khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường giảm, lạm phát tăng, đồng yên mất giá, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật năm 2023 đạt gần 57 nghìn tấn, trị giá 511 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đã có tín hiệu phục hồi khi tăng nhẹ trong tháng cuối cùng của năm 2023.
Theo Hải quan Nhật Bản, năm 2023, tôm là mặt hàng Nhật Bản giảm nhập khẩu mạnh nhất, giảm 9,4% về lượng, đạt 212,4 nghìn tấn. Giá nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2023 trung bình ở mức 9,6 USD/kg, giảm 1,4% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Nhật Bản được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.
Hiện, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật. Tôm Việt Nam dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta là công ty xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, chiếm 13,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, công ty vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu tốt sang thị trường Nhật. Các sản phẩm thế mạnh của công ty sang thị trường này gồm các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi…
Năm 2024, bên cạnh mở rộng các thị trường khác, công ty tiếp tục dồn lực phát triển tại thị trường Nhật. Chiến lược này nhằm phát huy thế mạnh và tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ.
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu tôm sang Nhật Bản (chiếm 9,1% tỷ trọng) với các sản phẩm nổi bật như tôm sú bỏ đầu tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột, tôm sú hấp, tôm sú nobashi, tôm chân trắng PD, tôm chân trắng Ebifry, tôm sushi, tôm ebishin, tôm sú tempura…
Đứng thứ ba là Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang chiếm tỷ trọng 7,2%; Công ty Cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, chiếm tỷ lệ 6,0%; Công ty Cổ phần Hải Việt, chiếm tỉ lệ 5,6%.
Hải Vân (T/h)