Ngày 30/5/2023, Trung Quốc hạ mũi khoan đầu tiên xuống mặt cát nóng bỏng ở sa mạc Taklamakan, thuộc Bồn địa Tarim, Tân Cương.
280 ngày sau - vào những ngày đầu tháng 3/2024, Trung Quốc đánh dấu một thành tựu quan trọng trong ngành thăm dò dầu khí với việc hoàn thành giếng khoan siêu sâu hơn 10.000 mét mang tên Shendi Ta'ke-1 – một công trình kỷ lục không những cho chính Trung Quốc này mà còn cho cả khu vực châu Á.
Công nghệ độc quyền "made in China" vào cuộc
Với Shendi Ta'ke-1, Trung Quốc nắm giữ trong tay giếng khoan sâu nhất châu Á, đồng thời cũng là giếng khoang sâu hơn 10.000 mét được khoan trong thời gian ngắn nhất trên thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên ở Trung Quốc, giếng Shendi Ta'Ke-1 được thực hiện bởi giàn khoan hoàn toàn tự động sâu 12.000 mét với trọng tải nâng 900 tấn. Ống khoan có độ dày thành cực cao và độ bền kéo 490 tấn, cùng dung dịch khoan có thể chịu được nhiệt độ cao lên tới 220 độ C. Đây là công nghệ độc quyền do chính Trung Quốc phát triển, Hãng thông tấn xã WAM (UAE) thông tin.
Giếng khoan sâu nhất châu Á này, thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí PetroChina, nằm trên bồn địa Tarim - một khu vực phong phú với trữ lượng dầu khí chiếm hơn một nửa nguồn tài nguyên dầu khí siêu sâu của Trung Quốc.
Wang Chunsheng, Kỹ thuật trưởng của PetroChina Tarim cho biết: "Bồn địa Tarim, nơi có giếng Shendi Ta'Ke-1, rất giàu dầu khí ở độ sâu siêu sâu. Tổng tài nguyên địa chất dầu khí dưới 8.000 mét trong khu vực này vượt quá 9 tỷ tấn dầu tương đương, chiếm hơn một nửa nguồn tài nguyên siêu sâu của Trung Quốc".
"Quả ngọt" sau hàng trăm ngày nỗ lực khoan vào lòng đất
Tuy đã đạt nhiều kỷ lục quốc gia, châu Á và thế giới nhưng Trung Quốc chưa dừng việc khoan sâu hơn nữa. Với độ sâu thiết kế 11.100 mét, nước này còn khoảng hơn 1.000 mét khoan nữa phải hoàn thành.
Lúc này, mũi khoan đã xuyên qua 13 địa tầng nơi đất đá được hình thành từ 500 triệu năm trước.
"Việc khoan tiếp sẽ chạm tới các địa tầng Cambri thậm chí còn cổ hơn nơi một số nhà địa chất tin rằng là nguồn cung cấp dầu và khí đốt dồi dào, chất lượng cao" - Quanyou Liu tại Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc cho biết.
Quá trình khoan giếng này đã vượt qua nhiều thách thức do điều kiện môi trường mặt đất khắc nghiệt và cấu trúc phức tạp bên trong lòng đất của vùng sa mạc khắc nghiệt Taklamakan lớn nhất Trung Quốc.
Theo báo cáo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, các khối đá ngầm có cấu trúc phức tạp, đòi hỏi phải khoan giếng thông qua tổng cộng 13 địa tầng trải dài từ vùng trên cùng đến vùng thấp nhất.
Quá trình khoan gặp vô số trở ngại kỹ thuật trong môi trường nhiệt độ cao dưới 10.000 mét, trong đó các dụng cụ khoan dễ bị mềm đi như sợi bún. Việc khoan thành công một giếng sâu đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức mang tính chất kỹ thuật, bao gồm tải trọng quá lớn, nhiệt độ cực cao, áp suất cực cao và ứng suất địa chất tăng cao đặc biệt.
Đổi lại, Trung Quốc "hái quả ngọt" tuyệt vời sau những nỗ lực hàng trăm ngày qua: Việc khoan sâu như thế đã Trung Quốc tìm được mạch "kho báu" dồi dào đó là dầu khí có chất lượng rất cao cấp. Chúng là loại dầu nhẹ, có thể sử dụng trực tiếp mà không phải trải qua quá trình lọc hay chế biến.
Sự thành công này nhấn mạnh tới khả năng tự chủ công nghệ của Trung Quốc cũng như ưu thế trong ngành năng lượng của quốc gia này.
Trong bối cảnh thế giới đang liên tục tìm kiếm nguồn năng lượng mới, PetroChina đã nhanh chóng tiến hành và đã khoan thành công hơn 140 giếng dầu siêu sâu với độ sâu trên 8.000m tại bồn địa Tarim, thể hiện quyết tâm và năng lực vượt trội trong việc khai thác dầu sâu dưới lòng đất, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Được biết, trữ lượng dầu khí sâu/siêu sâu trên đất liền chiếm tới khoảng 34% tổng nguồn tài nguyên dầu khí quốc gia của Trung Quốc, và tỷ lệ này vẫn đang có xu hướng tăng lên theo từng năm.
Nếu hoàn thành giếng khoan sâu 11.100 mét này, Trung Quốc sẽ sở hữu giếng khoan sâu thứ hai thế giới. Hố nhân tạo sâu nhất trên Trái đất vẫn là hố khoan siêu sâu Kola của Liên Xô/Nga, đạt độ sâu 12.262 mét vào năm 1989, sau 20 năm khoan.
Tham khảo: Hãng thông tấn xã WAM (UAE), Timesofindia
, Newscientist
\