Theo Hãng tin AFP, Instagram và Facebook nằm trong số những mạng xã hội phổ biến nhất đối với người Iran bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Hiện nay các quan chức tại Iran vẫn có tài khoản trên các nền tảng này.
Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ Meta của Mỹ thông báo họ đã xóa tài khoản của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei khỏi Facebook và Instagram vì đã "liên tục vi phạm" chính sách của công ty này về "các tổ chức và cá nhân nguy hiểm".
Trong tuyên bố đáp trả mới nhất, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói động thái của Meta "không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận mà còn là sự xúc phạm đối với hàng triệu người theo dõi quan điểm và tin tức của ông (Khamenei)".
"Các khẩu hiệu tự do ngôn luận của một số người ở phương Tây là những khẩu hiệu sáo rỗng, phô trương và là vỏ bọc cho các mục tiêu chính trị bất hợp pháp của họ" - ông Hossein Amir-Abdollahian nói với trang tin Middle East Eye. Tuyên bố này cũng được Bộ Ngoại giao Iran đăng.
Ông Ali Khamenei (84 tuổi) là lãnh tụ tối cao của Iran từ năm 1989 - vị trí cho phép ông có tiếng nói cuối cùng trong các chính sách quan trọng của Iran. Ông có khoảng 5 triệu người theo dõi trên Instagram.
Động thái của Meta diễn ra trong bối cảnh ông Khamenei ngày càng lên tiếng ủng hộ phong trào Hamas và lên án Israel giữa xung đột Israel - Hamas.
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nói: "Ông Khamenei là người ủng hộ nổi bật nhất trên thế giới cho những người Palestine bị chèn ép và Dải Gaza. Đế chế Thung lũng Silicon không thể ngăn cản tiếng nói này tiếp cận dư luận thế giới".
Hiện nay, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Iran đối với Facebook, Instagram và các mạng xã hội khác như X (Twitter) ở nước này, người dùng mạng ở Iran vẫn có thể truy cập các nền tảng bằng VPN (mạng riêng ảo).
Sáu nguồn tin nói với Hãng tin Reuters rằng hai quốc gia bị Mỹ trừng phạt là Iran và Nga đang hợp tác quân sự với nhau, trong đó Iran đã cung cấp cho Nga khoảng 400 tên lửa.