Ông Thịnh dẫn số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, có trên 50% số vụ là do người lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở gây ra.
Việc xử lý nghiêm nồng độ cồn trong thời gian qua, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đã cho thấy nhiều tác động tích cực. Trong đó, tai nạn giao thông và số người chết, bị thương, cấp cứu ở bệnh viện liên quan vấn đề sử dụng rượu bia cũng giảm.
Nghiên cứu kỹ vấn đề cồn nội sinh
Về các ý kiến liên quan đến vấn đề nồng độ cồn nội sinh, đại biểu Thịnh cho rằng ý kiến của các nhà khoa học chỉ ra việc xuất hiện nồng độ cồn nội sinh chỉ ở những người có các bệnh. Còn với những người bình thường, khỏe mạnh thì không có nồng độ cồn nội sinh.
Do vậy, với những người cho rằng mình có nồng độ cồn nội sinh thì cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện để khám sức khỏe, xác định cụ thể.
Trong đó, làm rõ nồng độ cồn được cho là nội sinh này xuất phát từ đâu, do tự nhiên có hay từ bệnh tật gây ra. Sau đó, lấy giấy xác nhận của cơ sở y tế làm căn cứ để các cơ quan chức năng xem xét.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, dù nồng độ cồn nhiều hay ít đều có ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện. Do đó, cần xác định rõ xem nồng độ cồn nội sinh này có gây ảnh hưởng đến tinh thần, việc lái xe hay không. Nếu không ảnh hưởng, người dân có thể điều khiển phương tiện. Nhưng nếu xác định có ảnh hưởng thì không lái xe được.
"Ở đây, vấn đề nồng độ cồn nội sinh này phải được xác định, đánh giá rõ ràng, chặt chẽ. Nhất là tránh cho tiêu cực, lợi dụng nồng độ cồn nội sinh để có các vi phạm, gây mất an toàn giao thông, an toàn xã hội. Cũng khẳng định luật quy định để giải quyết tổng thể, không cho các trường hợp cá biệt. Còn khi đó những trường hợp cá biệt phải được xác định cụ thể, rõ ràng từ cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn", đại biểu Thịnh nói thêm.
Ý kiến trái chiều về nồng độ cồn "zero"
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng nhấn mạnh quy định của pháp luật đặt ra phải giải quyết trên tổng thể, đồng thời rất nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành và có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được việc mình có vi phạm hay không vi phạm.
"Vì thế, giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu của xây dựng bất cứ quy định pháp luật nào", ông Thịnh nêu rõ.
Thế nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật, lại cho rằng cá nhân ông ủng hộ quy định cấm tài xế không được uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, quy định nồng độ cồn trong hơi thở là "zero" thì không hợp lý. Bởi hiện nay có một số thức ăn, đồ uống, gia vị bản thân đã có chứa nồng độ cồn. Vì vậy, khi người dân sử dụng và bị lực lượng chức năng đo, dễ bị xử phạt. Hay vấn đề cồn nội sinh được báo chí nêu thời gian vừa qua.
Thậm chí, theo ông Hòa, có người dân uống một chút rượu bia buổi chiều tối hôm trước, đêm về nghỉ ngơi và sáng mai đi làm, đầu óc vẫn minh mẫn, tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng khi bị thổi nồng độ cồn vẫn lên và bị phạt. Điều này gây ra bất cập và người dân bày tỏ chưa đồng tình.
"Do đó, tôi cho rằng cần phải có quy định rõ hơn về tỉ lệ nồng độ cồn hay nói cách khác là ngưỡng cho phép. Tức dưới ngưỡng bao nhiêu thì không bị xử phạt, trên ngưỡng đó thì bị xử phạt. Như vậy mới bảo đảm công bằng, khả thi. Việc xác định này cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể từ các nhà khoa học, chuyên gia y tế để đảm bảo khách quan, chính xác", ông Hòa nói thêm.
Cần có hướng xử lý cho nồng độ cồn nội sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình huống người điều khiển phương tiện có cồn nội sinh, không phải cồn do uống bia rượu, một thành viên tổ biên tập xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia (do Bộ Y tế chủ trì xây dựng, hiện đã có hiệu lực thi hành) cho biết đối với người lái ô tô thì từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nồng độ cồn bằng 0. Người đi xe máy, thời điểm đó quy định là dưới 5mg/100ml khí thở.
Và hiện nay, chính sách hiện hành (nồng độ cồn bằng 0) với người lái ô tô là không thay đổi, chỉ điều chỉnh theo hướng giảm về 0 đối với người điều khiển xe máy. Sở dĩ có thay đổi này là bởi xe máy cũng liên quan đến nhiều vụ tai nạn giao thông, thậm chí là tự đâm hoặc tự ngã khi người điều khiển xe uống rượu bia và tham gia giao thông.
"Thực tiễn hiện có vướng mắc về nồng độ cồn nội sinh, tôi được biết Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh lấy ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học, ý kiến Tổ chức Y tế thế giới. Thế nhưng trường hợp có cồn nội sinh rất ít ỏi, có ở một số mã bệnh lý và trong trường hợp này có thể xét nghiệm máu sẽ ra kết quả chính xác", chuyên gia trên chia sẻ và nói thêm về việc người dân bị xử lý khi có nồng độ cồn nội sinh thì trong các biên bản xử phạt đều có phần nêu ý kiến.
Do đó người có cồn nội sinh mà bị phạt có thể ghi ý kiến vào phần này và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm lại bằng hình thức xét nghiệm máu để có kết quả chính xác cho việc xử phạt.
Xung quanh câu chuyện nồng độ cồn với tài xế, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cần cấm tuyệt đối hay nồng độ cồn bằng 0 để đảm bảo tính nghiêm minh, an toàn giao thông, tính mạng cho người dân...