Ý kiến bạn đọc trên trang báo hôm nay cùng bàn về cách làm thế nào để "lịch sự hơn" nơi công cộng.
Sao "phun độc" vào người khác?
Một buổi sáng mát lành, lúc đang chạy trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tôi chứng kiến một pha "va chạm kinh hoàng".
Một phụ nữ bất ngờ lãnh trọn chất thải từ cú khạc của người đàn ông chạy xe từ phía sau lên. Chị loạng choạng tay lái rồi vội tấp xe vào lề. Thời tiết đang mát lành trong tôi bỗng trở nên ô nhiễm.
Chính tôi đã từng có lần sáng đi mới nửa đường phải bỏ dở công việc quay xe về nhà "tẩy rửa" mặt mũi vì hứng nước bọt của một thanh niên.
Lần nọ, trên xe buýt, một nam hành khách lên xe, vừa ngồi vào ghế anh liền bật quẹt đốt thuốc. Có lẽ ngại đụng chạm nên hành khách ngồi gần đều im lặng.
Tôi ngồi phía sau, hít khói. Không chịu được nên tôi bước lên khều anh này chỉ tay lên tấm kính xe, nhắc nhẹ: "Anh ơi, trên xe có biển cấm hút thuốc kìa anh...". Anh dụi tắt tàn thuốc với thái độ rất khó chịu!
Tôi thở phào nghĩ thầm: "Hú hồn! May mắn không xảy ra tranh cãi".
Rồi tiếng ồn từ việc nghe, gọi điện thoại, bật loa nghe nhạc của một số hành khách trên những chuyến xe buýt, xe khách cũng là nỗi ngán ngẩm.
Có người hồn nhiên "tám" chuyện với người thân, bạn bè hàng giờ đồng hồ. Hành khách trên xe dù muốn dù không cũng buộc phải nghe. Một vài trạm buýt xấu xí vì nhiều người nằm dài trên ghế. Việc này cũng thường thấy ở các ghế trong công viên.
Tuần trước tôi đến ATM trước một ngân hàng. Phòng có bốn tủ ATM đều đang có khách, vài người đang đứng chờ đến lượt. Vị khách bên trái tôi giao dịch xong, đang nhận lại thẻ thì bạn gái đứng phía sau tôi thấy vậy vội nhảy qua, vừa lúc một vị khách khác đi vào.
Thế là trận "đấu khẩu" vì giành chỗ diễn ra tưng bừng giữa hai vị khách cho đến khi mọi người lánh xa.
NGỌC HẠNH
Tôi quá hãi tiếng ồn ở bệnh viện
Mẹ tôi nhập viện mổ bướu não. Sau ca mổ, mẹ tôi được đưa xuống phòng có sáu giường bệnh. Đêm đó có đá banh (phòng có tivi), họ mở tivi háo hức chờ xem trận đấu mong đợi.
Mẹ tôi đầu băng trắng, mắt nhắm nghiền vì đau và vì tiếng cổ vũ, reo hò xuýt xoa theo trái banh trong tivi.
Tôi xin họ tắt hoặc giảm âm lượng, họ giảm âm thanh nhưng vẫn ồn so với sự yên tĩnh cần thiết với người mới mổ não.
Lần khác, tôi chăm mẹ ở bệnh viện. Nằm gần mẹ tôi là hai cô lớn tuổi (một bệnh nhân và một người đi nuôi bệnh), một ngày điện thoại của hai cô reo không biết bao nhiêu bận.
Chuông điện thoại luôn ở mức đứng xa 10m cũng inh tai. Buổi trưa, chuông điện thoại vang lên, cả phòng ai cũng thức. Khi không ai gọi đến, cô nuôi bệnh lại chủ động gọi đi, cô mở loa, nói cười thoải mái.
Khoảng 4h sáng, khi mọi người còn đang yên giấc, cô chăm bệnh bắt đầu đọc kinh, như thể nơi đây là nhà riêng.
Tôi cũng rất "ấn tượng" với sự ồn ào từ một số người thăm nuôi bệnh. Người ý tứ thì nói năng nhỏ nhẹ nhưng nhiều người oang oang như chốn không người.
Đến mức bệnh nhân khác đành đứng dậy đi ra ngoài, chờ khi nào họ về thì mới dám vô phòng. Mới đây, khi đi thăm một chị bạn điều trị ở bệnh viện nọ, gặp cảnh cô giường bên cạnh mở YouTube hát karaoke say sưa.
UYÊN NGUYỄN
"Rác" ở những chuyến xe đường dài
Đa phần khách chọn đi xe giường nằm là để tranh thủ ngủ nhưng nhiều người cứ nói chuyện điện thoại oang oang hàng giờ.
Một bác gái nằm cuối xe làm quen với người bên cạnh xong là bắt đầu kể chuyện gia đình mình, từ Huế về tới Quảng Nam mà vẫn chưa hết chuyện.
Người có con đi theo thì kéo màn che của khách khác, cha mẹ không buồn nhắc.
Có người nôn ói nhưng không chịu cột miệng bọc ni lông làm người nằm gần muốn nôn ói theo. Các nhà xe yêu cầu khách không ăn thức ăn có mùi trên xe nhưng nhiều khách vẫn lén ăn.
Tại các điểm dừng chân, ở nhà vệ sinh, thùng rác có nắp, thay vì dùng chân nhấn để mở nắp thùng rác, nhiều người liệng luôn giấy vệ sinh và các thứ khác lên nắp thùng rác. Để người khác thu dọn loại rác thế này mang tội quá!
ĐỖ HUỲNH HOA
Đón và tiễn người thân ở sân bay: chuyện ở ta và ở bạn
Tôi vừa có một chuyến đi nước ngoài. Chuyến đi, ở ga quốc tế, tôi chứng kiến cảnh đám đông đứng đưa tiễn ngồi bệt, vô tư cười nói lớn tiếng.
Những ly nhựa, chai nước uống... được để ngay lên trên những bệ trồng cây kiểng. Dù có bảng hiệu hướng dẫn xe được dừng đỗ trả khách không quá 3 phút, nhưng nhiều xe đậu rất lâu, xe khác không thể tiếp cận làn trả khách phải đậu giữa đường để cho khách xuống.
Chuyến về, tôi lại chứng kiến cảnh nhiều người đứng, ngồi, nằm để đợi người thân. Dù lực lượng bảo vệ sân bay nhắc nhở liên tục, nhưng dòng người đón thân nhân ấy cứ lấn lối đi ra của khách. Rác thải thức ăn nhanh vương vãi.
Ở sân bay Kuala Lumpur của Malaysia, nơi tôi đến, cũng có người đón và tiễn người thân nhưng họ lại có sự trật tự và vị trí đón tiễn cũng rất lịch sự. Không ai nằm, ngồi và cả ăn uống ở sảnh.
Việc đón - tiễn thể hiện nét đẹp, sự thân tình nhưng chúng ta làm như vậy có còn đẹp trong mắt của nhau và trong mắt du khách?
PHẠM MINH HIỀN
Quy định xử phạt những hành vi nào?
Hành vi chửi thề, nói tục, ăn mặc hở hang tại nơi tổ chức lễ hội, mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500.000 đồng theo quy định tại điều 14 nghị định 38/2021.
Hành vi hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm thì bị phạt tiền với mức phạt lên đến 500.000 đồng theo quy định tại nghị định 117/2020.
Hành vi gây rối trật tự; vứt rác; viết, vẽ, dán nội dung lên tường, cột điện; hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng; không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học... có thể bị phạt tiền lên đến 8.000.000 đồng theo nghị định 144/2021.
Một số hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa nơi công cộng như: xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; có hành vi làm ô uế các công trình, thiết bị nơi công cộng; tụ tập ẩu đả đánh nhau nơi công cộng... thì tùy theo mức độ, hành vi phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Mức hình phạt tù có thể lên đến 7 năm nếu phạm tội có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng...
Luật sư TÀO VĂN DŨNG (Đoàn luật sư TP.HCM)
Nhiều người cùng biến "cái sai" thành "chuyện đúng"
Khách quan nhìn nhận, cách ứng xử nơi công cộng, đặc biệt là với những người trẻ đã tốt hơn trước rất nhiều.
Song vẫn còn không ít người có những hành vi thiếu chuẩn mực. Ứng xử thiếu văn minh còn ảnh hưởng chung đến xã hội. Nhiều người lại nhìn vào hành vi xấu với suy nghĩ "người ta làm được mình cũng làm được" khiến cho những hành vi đáng xấu hổ bị "bình thường hóa", biến cái sai trở thành đúng.
Ứng xử nơi công cộng không đơn giản chỉ là hành vi của một cá nhân. Nếu người đó là nhân viên của một công ty, cơ quan thì người ta sẽ dựa vào để đánh giá cả một tập thể. Người nước ngoài có thể nhìn vào ứng xử nơi công cộng nghĩ tốt hoặc xấu về người Việt Nam.
Cần có thêm những chương trình tuyên truyền cụ thể, hiệu quả hơn để đưa những quy định, cách ứng xử phù hợp cho người dân.
Các bạn trẻ cần được tạo thói quen ứng xử từ trên ghế nhà trường. Trường đại học có những bộ quy tắc ứng xử riêng. Cơ quan, doanh nghiệp cũng vậy. Từ những điều như thế, những hành vi thiếu chuẩn mực đã sớm bị loại trừ.
TS VŨ QUỐC ANH
(trưởng khoa khoa học xã hội & quan hệ công chúng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Bên cạnh nhiều phẩm chất tốt đẹp, không ít người Việt hiện nay có thói quen ăn nói ồn ào như một mình một chợ, nhất là ở nơi công cộng.