Đây là cách nói ẩn dụ với hàm ý nếu được những người khổng lồ nâng đỡ và để trên vai họ, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều hơn những gì họ thấy và phát hiện những thứ ở khoảng cách xa hơn.
Ngày nay "Đứng trên vai người khổng lồ" cũng là chiến lược đi tắt đón đầu phổ biến. Theo đó, nếu chúng ta học hỏi và tận dụng những thành tựu của những người đi trước, sau đó phát huy sáng tạo và chọn cách làm phù hợp, chúng ta có nhiều cơ hội tiến nhanh, tiến xa.
Chiến lược này không chỉ giới hạn tại doanh nghiệp mà còn ở tầm quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, những quốc gia đi sau sẽ dễ dàng tiếp cận và áp dụng những thành tựu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật của người đi trước hơn.
Ngày 7-3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước chủ nhà Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, đưa Úc trở thành nước thứ bảy có quan hệ ở cấp này với Việt Nam, bên cạnh: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Bảy quốc gia này đều là những nền kinh tế lớn của thế giới và thực sự là "những người khổng lồ" trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Nếu phải mất tám năm để chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với lần lượt ba quốc gia: Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016), thì chỉ trong 15 tháng để ta có thêm bốn đối tác chiến lược toàn diện mới gồm: Hàn Quốc (tháng 12-2022), Mỹ (9-2023), Nhật Bản (11-2023) và Úc (3-2024).
Tiến trình hồi phục hậu đại dịch COVID-19, cạnh tranh nước lớn đang tạo ra những mô hình quản trị mới và dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình để nắm bắt cơ hội này bằng cách nâng cấp quan hệ với các quốc gia đang đi đầu trong các xu hướng này.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện những bước nhảy vọt và rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về khoa học công nghệ.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn để "hội nhập" sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mục tiêu này nhận được sự giúp sức của các đối tác chiến lược toàn diện mới.
Mỹ đã cam kết giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Ngày 4-3 vừa qua, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cũng khẳng định với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang rằng Samsung cam kết hỗ trợ Việt Nam đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Trong chuyến thăm Úc kết thúc hôm qua 9-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối với các đối tác Úc để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo sớm, đào tạo nhanh đội ngũ kỹ sư chip bán dẫn để tận dụng được cơ hội rất lớn hiện nay về bán dẫn.
Khi được hỏi điều gì khiến Mỹ chọn Việt Nam là đối tác cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói đó chính là nguồn nhân lực. "Nguồn lực của Việt Nam là con người - điểm quan trọng nhất. Chúng ta có những người trẻ năng động, trí tuệ, rất phù hợp với các ngành công nghệ cao như bán dẫn", ông Dũng nêu.
Chính phủ đặt quyết tâm cao theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và điều này đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành này đến Việt Nam.
Với sự "giúp sức" của bảy người khổng lồ, nay là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những bước nhảy vọt của đất nước sắp tới và đó là cơ hội cho mọi bạn trẻ chinh phục đỉnh cao về khoa học - công nghệ.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện VietTechNZ tại New Zealand đã nêu một số đề xuất liên quan đào tạo nhân lực chất lượng cao, định hướng phát triển các công ty công nghệ.