Theo một nghiên cứu mới, một số công cụ bằng đá được tìm thấy ở phía tây Ukraine có thể là bằng chứng lâu đời nhất được biết đến về con người tiền sử ở châu Âu. Những viên đá bị sứt mẻ, được tạo hình một cách có chủ ý từ đá núi lửa, đã được khai quật từ một mỏ đá ở khu vực Korolevo vào những năm 1970. Sử dụng phương pháp mới, các nhà khảo cổ đã xác định niên đại của các lớp đá trầm tích bọc quanh các công cụ này là hơn 1 triệu năm tuổi.
“Đây là bằng chứng sớm nhất về loài người xuất hiện ở châu Âu được ghi lại trong lịch sử”, ông Mads Faurschou Knudsen, nhà địa vật lý tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch và đồng tác giả của nghiên cứu, nói. Ông cho biết, hiện không rõ tổ tiên nào của loài người đã chế tạo ra các công cụ này, nhưng đó có thể là Homo erectus, loài đầu tiên đứng thẳng và biết dùng lửa.
“Chúng tôi không có di tích hóa thạch, nên đây chỉ là một giả thiết”, ông Roman Garba, nhà khảo cổ học tại Viện Hàn lâm Khoa học Séc và đồng tác giả, cho biết. Ông nói thêm rằng những công cụ bằng đá này có thể được sử dụng để cắt thịt hoặc cạo da động vật.
Theo các nhà nghiên cứu, những công cụ này có thể có niên đại lên tới 1, 4 triệu năm , nhưng một số chuyên gia khác tin rằng chúng có thể chỉ hơn 1 triệu năm tuổi, đặt chúng vào cùng khoảng niên đại với các công cụ cổ xưa khác được khai quật ở Tây Ban Nha.
Ông Rick Potts, người chỉ đạo chương trình nguồn gốc con người của Viện Smithsonian (Mỹ), cho biết, những công cụ bằng đá cổ đại nhất thuộc loại này đã được khai quật ở miền Đông châu Phi và có niên đại cách đây 2,8 triệu năm. Địa điểm ở Ukraine rất có ý nghĩa vì “đây là địa điểm lâu đời nhất ở phía bắc”, cho thấy rằng những người đầu tiên di dời khỏi châu Phi với những công cụ này có thể đã sinh sống trong các môi trường đa dạng.
“Những người tiền sử với công cụ bằng đá cổ xưa này có thể xâm chiếm khắp mọi nơi từ Iberia (Tây Ban Nha) ấm áp đến Ukraine băng giá – bằng chứng cho một khả năng thích ứng đáng kinh ngạc”, ông Potts giải thích.
Xem thêm: nhc.998617570013042881-court-man-ueirt-1-noh-ut-us-neit-iougn-tev-uad-neih-tahp/nv.fefac