Rũ bỏ áp lực bon chen nơi thị thành
Trên chuyến xe lỉnh kỉnh đồ đạc từ quê hương Rạch Giá, Kiên Giang lên TP.HCM gần 3 năm trước, Ngọc Thiện mang theo ước mơ cuộc sống thuận lợi. Thời gian đầu anh làm đủ nghề tự nuôi thân, kể cả làm công nhân ở tuốt quận 7.
Sau đó, cơ duyên đưa chàng trai tuổi ngoài đôi mươi làm thuê cho một đại lý vé số. Chủ đại lý tin tưởng giao anh quản lý điểm bán trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).
Anh kể: "Thu nhập lúc đó gần 10 triệu đồng/tháng. Lại được anh chủ cho ở lại chỗ bán nên tôi không phải mất tiền thuê phòng trọ". Công việc đang ổn định nhẹ nhàng, Thiện đột nhiên báo nghỉ. Mọi người ai cũng bất ngờ.
"Tôi về phụ giúp gia đình. Tôi là anh Hai, dưới tôi còn ba đứa em nữa, nhỏ nhất mới 1 tuổi, không có ai coi tụi nhỏ", Thiện nói về quyết định "hồi hương" của mình. Những ngày đầu, anh hơi tiếc công việc cũ.
Bỏ phố về quê, Thiện không còn nhàn nhã như làm anh quản lý đại lý vé số như ngày nào. Anh phụ cha mẹ bán sạp rau ngoài chợ. Mới đây, anh vào làm tại một công trình xây dựng gần nhà, lương 4-5 triệu đồng/tháng.
Vốn siêng năng, buổi tối Thiện xin chân chạy bàn quán cà phê, kiếm thêm 1-2 triệu đồng/tháng.
"Buổi chiều rời công trình là tôi tới thẳng quán cà phê ở trung tâm Rạch Giá làm tới 10 giờ đêm. Cộng hai khoản lương vẫn không bằng lúc trên Sài Gòn nhưng để dành được một ít phụ giúp gia đình, lo cho mấy đứa em", Thiện bộc bạch.
Một điều nữa khiến Thiện nhẹ lòng khi bỏ phố về quê, đó là giá cả chi tiêu thấp hơn. Cơm nước có mẹ nấu, không phải nhậu nhẹt, ăn uống đắt đỏ như hồi còn trên thành phố.
"Về đây được cái là gần cha mẹ, mấy đứa em nên cũng vui. Từ từ tôi sẽ kiếm một công việc khác ổn hơn", Thiện lạc quan.
Nhớ Sài Gòn, nhưng chọn cuộc sống ổn định
Về quê sống mấy năm nay, anh Văn Nhơn (38 tuổi, chủ salon tóc Nhơn ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết cuộc sống hiện giờ ổn định. Mười mấy năm trước, anh lên TP.HCM học nghề tóc. Rồi anh tích cóp mở một salon ở quận Phú Nhuận.
Mọi thứ đang tốt thì dịch COVID-19 bùng phát. Gồng gánh hai năm, anh gặp khó trong khi vẫn trang trải tiền mặt bằng và các chi phí khác.
Thành phố cho ta nhiều thứ. Ở lại có thể nhiều cơ hội hơn nhưng cuối cùng anh chọn về quê. Vì đã gắn với phố thời gian khá lâu, anh cho biết: "Cuộc sống ở Sài Gòn điều kiện đầy đủ. Ở Sài Gòn quen rồi, về quê tôi cũng nhớ", anh trải lòng.
Về quê, sau một thời gian, đầu năm 2023 anh khai trương salon tóc gần nhà. Anh lấy tên tiệm như hồi còn ở Sài Gòn.
Đất cũ đãi... người cũ. Sống đâu quen đó, anh chia sẻ rằng dưới quê lượng khách cũng lai rai. Bù lại, chi phí mặt bằng rẻ hơn. "Lại được gần gũi gia đình nên tôi thấy vui", anh nói.
Với các bạn trẻ có ý định bỏ phố về quê, anh nhắn nhủ: "Về quê nếu không có công việc thì rất khó, không biết phải làm gì. Chưa kể, làm việc ở quê thu nhập sẽ không bằng khi ở thành phố…".
Do đó, nếu muốn về quê sống, bạn trẻ phải suy nghĩ kỹ, cân nhắc các điều lợi cũng như bất cập.
Chuẩn bị mọi thứ để rời thị thành
Trong tâm thế sẽ thay đổi môi trường sống, chị Mỹ Thanh (31 tuổi, chuyên viên truyền thông) cho biết đang cùng chồng chuẩn bị mọi thứ.
Bốn năm trước, họ tậu miếng đất vườn ở ngoại thành TP Đà Lạt, đang trả dần số tiền vay còn lại.
Công việc hiện tại ở TP.HCM đem lại gần 20 triệu đồng/tháng nhưng chị bộc bạch: "Tôi thích cuộc sống êm ả, thích không khí se lạnh. Lên đó tôi sẽ làm một nông dân… nửa mùa, trồng ít cây cối, rau củ".
Không hề mơ mộng, chị cho biết nếu lên cao nguyên hai vợ chồng vẫn phải đảm bảo kinh tế. Tiền bạc có thể không bằng dưới phố nhưng sống đủ, dành dụm chút đỉnh.
"Chồng tôi hùn hạp làm ăn bên ngoài, tình hình tốt. Còn tôi sẽ nhận công việc online, mở lớp dạy Anh văn. Chúng tôi còn căn hộ nhỏ, lên đó sẽ cho thuê dưới này".
Kinh tế có khởi sắc song dự báo vẫn còn khó nên dù không rầm rộ nhưng đang có làn sóng lao động chọn rời bỏ phố về quê. Những chuyến hồi hương bất đắc dĩ ngày một nhiều.