Cả 8 kỳ Lễ hội Việt - Nhật đầu tiên đã ghi đậm dấu ấn của ông Takebe Tsutomu, nguyên chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật và hiện là cố vấn đặc biệt của liên minh này, dưới vai trò trưởng ban tổ chức lễ hội phía Nhật Bản.
Trong lần lễ hội thứ 9 này, ông Takebe quay lại Việt Nam với vai trò trưởng ban danh dự ban tổ chức lễ hội. Tuổi Trẻ Online có dịp trao đổi cùng ông Takebe về ý nghĩa của sự kiện hữu nghị đặc biệt này.
Lễ hội Việt - Nhật tạo sự giao lưu về con người giữa hai nước
Ông Takebe nhớ về những ngày đầu của Lễ hội Việt - Nhật: "Lễ hội Việt - Nhật đầu tiên được tổ chức vào tháng 11-2013. Đó chính là năm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Khi đó, mục đích ban đầu của lễ hội là tạo mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa hai nền văn hóa khác nhau là Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó, lễ hội có thể tạo ra những giá trị văn hóa mới và nâng tầm giá trị văn hóa của hai quốc gia".
Trưởng ban tổ chức lễ hội năm ấy nhớ rõ tuy là lần đầu tiên nhưng lễ hội đã thu hút được đến 70.000 người tham gia. Ông cũng nhớ trời đã mưa rất to vào ngày tổ chức lễ hội.
Những năm sau đó, lễ hội tiếp tục được tổ chức đều đặn và chỉ bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau đại dịch, lễ hội đã chứng minh được sức sống của mình trong lòng người dân TP.HCM khi lễ hội năm 2023 thu hút tới 485.000 du khách.
"Trong bối cảnh đó, nhìn vào thống kê về du lịch toàn cầu, có thể thấy là số lượt khách du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng nhiều lần qua từng năm. Trên thế giới chỉ có hai quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản đạt được điều đó thôi. Với tôi, đó là một trong những hiệu quả mà Lễ hội Việt - Nhật đóng góp: tạo ra sự giao lưu về con người giữa hai quốc gia", ông Takebe khẳng định.
Cơ hội đầu tư từ Lễ hội Việt - Nhật
Điểm đặc biệt của Lễ hội Việt - Nhật nằm ở chỗ không chỉ giao lưu văn hóa, lễ hội còn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và mở ra những cơ hội hợp tác quan trọng.
Tối 8-3, hội thảo và hội đàm thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam đã được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.
Tại đây, các doanh nghiệp lữ hành hai nước đã trao đổi với nhau về tiềm năng du lịch song phương, đặc biệt khi Nhật Bản sẽ tổ chức Triển lãm thế giới 2025 tại thành phố Osaka.
Các hội thảo, hội đàm tương tự cũng đã được tổ chức trong các kỳ lễ hội trước, bao quát đa dạng lĩnh vực trong quan hệ hợp tác song phương, du lịch, văn hóa ẩm thực, kinh doanh truyện tranh Nhật Bản (manga)...
Ông Takebe nhớ về một trong những thành công của lễ hội: "Năm 2018, trong khuôn khổ dự án được Bộ Kinh tế - Thương mại Nhật Bản (METI) tài trợ, một loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật Bản (konbini) đã có mặt tại Lễ hội Việt - Nhật. Có lẽ, từ thời điểm đó, rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã đầu tư vào Việt Nam".
Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ Việt - Nhật khẳng định qua sự kiện trên, lễ hội đã chứng minh bản thân không chỉ tạo ra giao lưu về con người, giao lưu về du lịch mà còn góp phần thúc đẩy tiêu dùng và kinh doanh.
"Chúng ta thấy Lễ hội Việt - Nhật có vai trò rất lớn, đóng góp cho giao lưu con người, giao lưu văn hóa, giao lưu du lịch, giao lưu tri thức và giao lưu khoa học công nghệ", ông Takebe kết luận.
Sáng 9-3, Lễ hội Việt - Nhật năm 2024 đã chính thức khai mạc tại công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM).
Lễ hội năm 2024 đánh dấu lần thứ 9 sự kiện này được tổ chức, tiếp tục trở thành điểm hẹn đa màu sắc về đất nước, con người, kinh tế và những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi nước.
Lễ hội Việt - Nhật năm 2024 chính thức khai mạc, với nhiều kỳ vọng về củng cố quan hệ giao lưu hợp tác văn hóa, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.