Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP HCM) đầu tháng 3 ban hành quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty cổ phần Dệt may Gia Định. Quyết định được ban hành từ đề nghị của Cục Thuế TP HCM.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong một năm từ 6/3 và sẽ chấm dứt khi doanh nghiệp nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Dệt may Gia Định hoạt động từ năm 2010, từng là một trong số ít doanh nghiệp dẫn đầu ngành dệt may của TP HCM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Cùng ngày, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cũng có quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với Công ty TNHH may mặc xuất khẩu DAH Sheng. Công ty này nợ thuế quá hạn 90 ngày hơn 2 tỷ đồng.
Mới đây, Garmex Sài Gòn, một công ty may mặc cũng ở TP HCM, lấy ý kiến cổ đông về chuyển nhượng hai mảnh đất và tài sản gắn liền sau khi cắt giảm gần 2.000 lao động vì không có đơn hàng. Trước khi quyết định lấy ý kiến cổ đông việc bán hai lô đất này, Garmex Sài Gòn cũng đã thanh lý nhiều tài sản khác như ô tô con, xe tải, máy móc, thiết bị sản xuất.
Năm 2023, ngành dệt may gặp thách thức từ nhiều yếu tố như lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu... dẫn đến đơn hàng sụt giảm mạnh.
Theo SSI Research, triển vọng phục hồi của ngành này trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu không thiết yếu, trong đó có may mặc.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 40,3 tỷ USD, thấp hơn 10% so với năm trước và cách xa mục tiêu 47-48 tỷ USD đặt ra ban đầu. Năm nay, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm trước.
Phương Dung