Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông B.Q.D. - chủ một hãng xe khách lớn tại Nghệ An, cho biết gần đây tình trạng tài xế cố tình đưa xe lên cao tốc để né thu phí, rút ngắn thời gian di chuyển khiến việc quản lý gặp khó khăn.
Đi cao tốc để né cảnh sát giao thông?
Theo ông D., đa số các nhà xe đường dài từ trước tới nay đều đăng ký tuyến di chuyển dọc các quốc lộ. Lý do là các tuyến này dù xa hơn nhưng đây là các tuyến "truyền thống", thuận tiện cho việc đón trả khách và giao nhận hàng hóa.
Do vậy khi tính toán giờ giấc chủ các nhà xe đã quy định rõ thời gian xuất phát đi và tới bến, có tính thời gian dôi dư.
Tuy vậy từ khi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Cam Lộ được đưa vào sử dụng, rất nhiều tài xế đã tự ý cho xe lên đường này để tránh thu phí, rút ngắn thời gian di chuyển nhằm "tới đích sớm để nghỉ ngơi".
"Cao tốc này cũng có ít trạm cảnh sát giao thông, chưa bị bắn tốc độ lẫn xử phạt vi phạm đè vạch, lấn làn qua camera giám sát tự động.
Vì vậy tài xế khi đủ khách thì cho xe lên cao tốc này để đi thay vì đi quốc lộ 1 như lâu nay. Việc này đa phần từ chủ ý tài xế, chủ hãng xe đều không yêu cầu" - ông D. Nói.
Ghi nhận của phóng viên, tình trạng vi phạm trên cao tốc dẫn từ Quảng Trị vào Đà Nẵng khá phổ biến. Dù đã hạn chế rất nhiều do cảnh sát giao thông tăng cường ứng trực gần đây nhưng ở các đoạn đường không có lực lượng chức năng thì tài xế vẫn lấn làn, vượt tốc độ quy định.
Theo ông L.H.Q - chủ một nhà xe ở tỉnh Hà Tĩnh, từ khi có tuyến cao tốc La Sơn - Cam Lộ, La Sơn - Túy Loan thì tình trạng mất kết nối hành trình trên các nhà xe diễn ra khá nhiều.
"Chúng tôi yêu cầu tài xế chạy theo quốc lộ 1 đúng với lộ trình đăng ký. Nhưng vì muốn đến sớm để nghỉ sớm nên tài xế tìm cách tắt thiết bị giám sát hành trình, che camera trên xe để quản lý không thể biết xe đang ở đâu.
Khi truy hỏi thì tài xế lấy các lý do như thiết bị bị mất kết nối, nguồn hỏng, hoặc bị lỗi. Việc cho xe lên cao tốc không những tăng mối lo về tai nạn giao thông, bị xử phạt mà còn rất khó để quản lý" - ông Q. nói.
Tiềm ẩn nguy cơ
Theo các nhà xe, hiện các nhà xe quy định khá chặt để hạn chế việc tài xế cố tình vi phạm giao thông.
Theo đó tài xế khi đưa xe đi trên đường sẽ tự chịu trách nhiệm và phải bỏ tiền ra đóng phạt nếu bị xử lý các lỗi như vượt quá tốc độ, lấn làn…
Tuy nhiên hiện nhiều nhà xe cũng đau đầu với các lỗi vi phạm được "phạt nguội".
Thông thường khi xe vi phạm, hệ thống camera tự động sẽ ghi lại hình ảnh. Cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo vi phạm về địa phương, thời gian nhận được thông báo từ 1 tuần đến hàng chục ngày.
Nhiều nhà xe cho biết rất lo lắng với việc tài xế tự ý đưa xe đi vào các cao tốc. Hiện đường La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Cam Lộ chưa có camera phạt nguội.
Nếu hệ thống này được triển khai mà tài xế vẫn chạy ẩu, lấn làn dày đặc như thời gian gần đây thì nguy cơ bị phạt là rất cao.
"Để giám sát tài xế, chúng tôi phải đi theo xe hoặc xử lý nghiêm việc cố tình tắt giám sát hành trình.
Chúng tôi cũng kéo dài thời gian lưu giữ giấy tờ, tiền lương của tài xế lên mức 45 ngày từ thời điểm tài xế xin nghỉ việc để buộc tài xế phải chịu trách nhiệm nếu quá trình lái xe bị xử phạt nguội" - ông D., chủ nhà xe ở Nghệ An, nói.
Thời gian qua tình trạng xe khách lấn làn, vượt ẩu trên các quốc lộ, đường cao tốc… không còn xa lạ với người đi đường. Điều đáng nói là dù cơ quan chức năng liên tục xử phạt vẫn không ngăn được nạn chạy ẩu.