Liên tiếp nhận cuộc gọi yêu cầu kích hoạt ứng dụng VNeID
Những ngày gần đây, Công an Quận 1 (CAQ1) liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị một số đối tượng mạo danh cán bộ Công an phường, gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID (giả mạo có giao diện gần giống với ứng dụng thật) để kích hoạt tài khoản định danh điện tử thông qua đường link do đối tượng cung cấp. Khi nạn nhân cài đặt xong ứng dụng cũng là lúc đối tượng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp toàn bộ thông tin cá nhân có liên quan đến tài khoản ngân hàng. Đối tượng nhanh chóng thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến một tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản (vì thông qua ứng dụng giả mạo, chúng đã đọc được dữ liệu cá nhân và tin nhắn chứa mã OTP được gửi tới).
Điển hình như lúc 10 giờ 12 phút ngày 04/3/2024, chị H.T.K.L nhận được cuộc điện thoại từ số 0947.7330847 của người phụ nữ và tự xưng là Công an phường Đakao, Quận 1. Người này thông báo định danh điện tử cấp 2 của chị L. bị sai sót, không đưa lên mạng được! Chị L. ngỡ ngàng cho hay bản thân không sinh sống và không đăng ký, tạm trú, thường trú gì ở phường Đakao thì người phụ nữ này nói sẽ gửi hồ sơ về CAQ1 để chị L. tự giải quyết!
Đến 10 giờ 40 cùng ngày, chị L. tiếp tục nhận được cuộc điện thoại từ số 0859.696954 của người đàn ông, tự xưng là CAQ1. Anh ta yêu cầu chị L. nhanh chóng đến CAQ1 để điều chỉnh hồ sơ định danh cấp 2 đồng thời hướng dẫn chị L. vô app dịch vụ công để khai báo qua đường link từ googlechome: dichvucong.bvgov.com. Do chị L. chưa tải app VNelD nên khi được “công an” gọi đến tận tình hướng dẫn liền làm theo, khẩn trương truy cập vào đường link trên để tải App dịch vụ công về máy.
Sau đó, người đàn ông này hướng dẫn chị L. thực hiện nhiều thao tác đến khi màn hình hiển thị đang tải 20% thì bị đứng máy. Người đàn ông nói chị L. không được tắt máy mà phải giữ cho sáng màn hình. Lát sau, chị L. yêu cầu tắt máy để đi ăn trưa. Khi vừa cúp máy cuộc gọi với người đàn ông trên, người bạn đồng nghiệp của chị L. nhìn thấy chị L. tải App định danh điện tử không giống App VNelD của Bộ Công an nên đã nói chị L xóa App. Sau khi xóa xong, chị L. vào tài khoản ngân hàng Vietcombank trên điện thoại nhưng không vào được. Chị L. hốt hoảng gọi lên tổng đài của ngân hàng thì được biết toàn bộ số tiền (gần 80 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của chị L đã bị chuyển đến tài khoản khác!
Mất tiền tỷ vì làm theo hướng dẫn kích hoạt ứng dụng VneID qua điện thoại
Mới đây nhất, vào lúc 09 giờ 18 phút, ngày 07/3/2024, trong lúc đang làm việc tại văn phòng, chị L.K.Q nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 09478839123, tự xưng là cán bộ Công an phường 16, Quận 4, yêu cầu chị Q. đăng ký lại thông tin định danh mức 2 do tài khoản của chị chưa được đăng ký vì lỗi hệ thống. Sau đó, anh này đọc đúng họ tên, số Căn cước công dân và nơi cư trú của chị Q., thông báo chị Q. có thể lên trụ sở Công an để đăng ký nhưng hiện tại đang quá tải, phải xếp hàng rất đông, chờ đợi lâu mới tới lượt. Để chị Q. không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi, người này hướng dẫn chị Q. thực hiện các thao tác cài đặt ứng dụng qua điện thoại cho thuận tiện nên chị Q. hoàn toàn tin tưởng và đồng ý.
Người đàn ông này nói với chị Q. là nếu thực hiện trên điện thoại Iphone thì sẽ tiếp tục bị lỗi hệ thống nên yêu cầu chị Q. phải sử dụng điện thoại Android (Samsung) để làm lại định danh (Chị Q. lúc này đang sử dụng 01 máy chính là Iphone và 01 máy phụ là Samsung). Sau đó, đối tượng dùng Zalo tên “Thanh Luân” kết bạn với chị Q. và gọi video qua Zalo để hướng dẫn chị Q. (trong lúc gọi không thấy hình ảnh của đối tượng) vào mục tìm kiếm trên Google tìm link dichvucong.bvgov.com và tải ứng dụng “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại!
Sau khi tải ứng dụng về, đối tượng hướng dẫn chị Q. thực hiện các bước để định danh như: đăng nhập, lấy dấu vân tay… Đối tượng thông báo dịch vụ này phải đóng phí 12.000 đồng và hướng dẫn chị Q. đăng nhập App ngân hàng MB Bank trên địa thoại Samsung. Sau đó, đối tượng bảo chị Q. lấy sim chính từ điện thoại Iphone bỏ qua điện thoại Samsung để thực hiện trả phí và hướng dẫn chị Q. lấy lại mật khẩu App ngân hàng MB Bank trên điện thoại Samsung. Sau khi chị Q. nhận tin nhắn từ MB Bank về điện thoại Samsung thì ngay lập tức tài khoản ngân hàng MB Bank của chị Q. bị trừ tiền 03 lần, mỗi lần là 499.999.999 đồng (tổng cộng gần 1,5 tỷ đồng)…
Thấy tài khoản bị trừ hết tiền, chị Q. lo lắng như ngồi trên đống lửa liền liên hệ phía ngân hàng thì được biết tài khoản của chị đã bị hack và toàn bộ số tiền của đã bị bốc hơi đến một tài khoản của người lạ! Đến lúc này chị Q. hoàn toàn suy sụp chỉ còn biết tìm đến cơ quan Công an cầu cứu, mong cơ quan Công an sớm vạch trần thủ đoạn của kẻ gian!...
Từ 02 vụ việc trên, CAQ1 khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên CH Play (đối với hệ điều hành Android), App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ các nguồn không chính thống, từ các đường link lạ. Mọi thắc mắc có liên quan về cài đặt ứng dụng VNeID, người dân hãy liên hệ ngay với Cảnh sát khu vực hoặc Cơ quan Công an nơi gần nhất.
CAQ1 khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi yêu cầu truy cập đường link để tải ứng dụng về điện thoại cá nhân; sử dụng điện thoại thông minh một cách cẩn trọng và an toàn để bảo vệ tài sản của chính mình trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, viber, tiktok…) và các cuộc gọi điện thoại mạo danh cơ quan Công an để lừa đảo.
Một lần nữa, CAQ1 khẳng định, lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Tổng đài duy nhất hướng dẫn về VNeID của Bộ Công an là 1900.0368. Số đường dây nóng hướng dẫn VNeID của Công an TP.HCM là 0693.187111. Ngoài ra, khi cần người dân có thể gọi điện thoại đến Công an phường nơi gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.