Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng để gỡ khó trong thực hiện dự án bất động sản, sau khi ban hành các luật mới. Theo đánh giá của giới quan sát, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát, đánh giá kết quả đã đạt được trong hơn một năm qua. Đồng thời, hội nghị cũng tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh sau khi các luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản vừa được ban hành.
Một trong những nội dung trọng tâm được bàn luận tại Hội nghị là các giải pháp để tăng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là nhà ở vừa giá tiền và nhà ở xã hội. Tại sự kiện, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh
"Nhiều dự án lúc đầu chỉ là nhà ở bình thường, nhưng vì thiếu nguồn cung nên đẩy nó lên thành nhà ở cao cấp. Hiện nay, tỷ trọng nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 70% nguồn cung nhà ở tại TP Hồ Chí Minh. Có thời điểm, chiếm đến 84%, còn lại là nhà ở trung cấp. Từ năm 2021 - 2023 không còn nhà ở thương mại giá vừa túi tiền tại TP Hồ Chí Minh", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho biết.
Để giải quyết cơn khát nhà ở giá rẻ, cách đây gần 1 năm, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng đã được ban hành. Đến nay, các ngân hàng thương mại cam kết tín dụng cho 15 dự án, với số tiền 7.000 tỷ đồng, con số này vẫn còn khiêm tốn. Khó khăn lớn vẫn nằm ở vấn đề pháp lý của các dự án.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận thẩm định dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đât. Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng, chưa có cơ sở để giải ngân. Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn từ gói 120.000 tỉ, đến nay chỉ có 4 dự án".
"Quá nửa dự án khi chúng tôi đến tiếp cận chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý đến từ các địa phương để có thể triển khai dự án. Việc tiếp cận vốn mặc dù BIDV chủ động nhưng việc phối hợp để cùng nhau giải ngân còn ít", ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chia sẻ.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đề xuất cần rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề pháp lý, gia tăng tiến độ tạo quỹ đất tại các địa phương.
"Đối với các khu đất được chuyển mục đích sử dụng sang đất làm nhà ở xã hội, nếu doanh nghiệp có đủ năng lực thì có thể có cơ chế khuyến khích, tiếp tục cho doanh nghiệp đầu tư, rút ngắn thơi gian rà soát nguồn gốc sử dụng đất. Vì nhà ở xã hội miễn tiền đất. Bên cạnh đó đối với Nghị định hướng dẫn về các chính sách nhà ở xã hội tới đây cần tạo điều kiện hơn. Cụ thể như cho phép nhà ở xã hội được áp dụng chỉ tiêu quy hoạch cao hơn để khai thác hết quỹ đất có hiệu quả", ông Trương Văn Việt - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Hưng Thịnh Incons kiến nghị.
Ông Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư IMG nhận định: "Việc tác tạo quỹ đất tại các địa phương đang diễn ra chậm. Từ khi quy hoạch đến đấu thầu phải mất 3-10 năm. Do quỹ đất bị thiếu nên lượng cung của nhà bị thiếu, bị đẩy giá lên".
Tại cuộc họp, một số doanh nghiệp cũng đề xuất các ngân hàng thương mại xem xét giảm thêm lãi suất của gói 120.000 tỉ đồng. Vì trên thực tế, nhiều ngân hàng hiện nay đã áp dụng lãi suất vay mua nhà ưu đãi những năm đầu tiên chỉ từ 6 - 7%, thấp hơn mức 7,5% của gói 120.000 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vướng mắc chủ yếu trên thị trường bất động sản.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong 3 luật sửa đổi mới được thông qua là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng ngay sau cuộc họp ngày hôm nay, tổng kết thành những nhóm vướng mắc chủ yếu trên thị trường bất động sản. Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, có thể ban hành Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn đặc thù.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.35631823211304202-nas-gnod-tab-gnourt-iht-ohc-nahk-ohk-og-oaht/et-hnik/nv.vtv