Theo ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ kế thừa thành quả đã có và phát triển hơn nhằm đảm bảo yêu cầu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra.
17 đề thi
Với phương thức thi gồm hai môn bắt buộc (toán, văn) và hai môn tự chọn, điểm khác biệt lớn so với kỳ thi giai đoạn trước 2025 là hầu hết các môn học trở thành môn thi, trong đó có những môn lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp như công nghệ, tin học. Nếu tính cả các môn ngoại ngữ thì Bộ GD-ĐT sẽ phải xây dựng 17 đề thi cho kỳ thi năm sau.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn giữ môn ngữ văn thi tự luận. Thay vì có ba phần trong đề thi như năm 2024 trở về trước, đề thi ngữ văn của kỳ thi từ 2025 sẽ có hai phần: đọc hiểu và viết với cách tính 4 điểm và 6 điểm cho hai phần, tổng điểm là 10. Thời gian thi là 120 phút.
Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Điểm mới của cấu trúc định dạng đề thi từ năm 2025 với các môn này là có nhiều dạng thức trắc nghiệm. Phần 1 của đề thi là dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn (4 phương thức, chọn 1) đã quen thuộc nhiều năm qua. Đây là dạng có số lượng câu hỏi nhiều nhất. Mỗi câu hỏi đúng được 0,25 điểm.
Phần 2 là lựa chọn đúng sai. Mỗi câu hỏi trong dạng này có 4 ý. Thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.
Số câu hỏi ở dạng này thường chiếm tỉ lệ ít nhất so với tổng bài. Với phần này, theo ông Nguyễn Ngọc Hà - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), có thể kiểm tra đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong 1 câu hỏi.
Phần 3, gồm các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn. Ở phần này thí sinh phải tự đưa ra đáp án mà không có đáp án sẵn để chọn. Đây là phần gần với cách thức thi tự luận đòi hỏi thí sinh phải tư duy, lập luận.
Giảm tình trạng đoán mò, tích bừa
Ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng với những dự kiến đổi mới ở cấu trúc định dạng đề thi trắc nghiệm sẽ giảm tình trạng học sinh đoán mò, tích bừa vào ô trả lời và đạt điểm nhờ "ăn may".
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, với cấu trúc định dạng như vậy, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên (chọn bừa) giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm (với môn toán) và còn 2,35 điểm (với các môn thi trắc nghiệm còn lại). Riêng dạng trắc nghiệm trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0. Có nghĩa thí sinh phải học, phải hiểu mới có điểm.
Theo cấu trúc được Bộ GD-ĐT quy định, có những môn thi có cả ba dạng trắc nghiệm. Nhiều môn chỉ có dạng 1 và 2, không có dạng trả lời ngắn như môn lịch sử, giáo dục kinh tế - pháp luật, tin học, công nghệ. Riêng môn ngoại ngữ chỉ có dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn.
Chia sẻ thêm về những điểm mới của đề thi từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm: "Cấu trúc mới giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở tất cả các môn nhưng sẽ giảm bớt số tờ giấy thi, giảm khối lượng công việc, giảm rủi ro trong in ấn, ghép tờ giấy thi. Điều này giúp giảm tốn kém, áp lực cho khâu chuẩn bị".
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT muốn hướng đến việc phát huy trí tuệ toàn ngành. Việc xây dựng thư viện câu hỏi đề thi có tính mở.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, việc huy động trí tuệ toàn ngành sẽ bắt đầu từ các nhà trường. Các đề thi khảo sát từ trường, sở, đề kiểm tra học kỳ do giáo viên biên soạn, tổ bộ môn lựa chọn sẽ được đưa vào thư viện câu hỏi thi.
Đây là nguồn dữ liệu phong phú để trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục phân tích bằng lý thuyết khảo thí (cả cổ điển và hiện đại). Những câu hỏi thi đã qua sàng lọc, biên tập, đo lường theo quy trình xây dựng câu hỏi chuẩn hóa sẽ được đưa vào ngân hàng đề thi.
Thư viện câu hỏi thi để mở và không cần phải bảo mật. Chỉ khi nó được đưa vào ngân hàng đề thi mới phải thực hiện các quy định về bảo mật.
Nhiều băn khoăn
Bà Lê Thị Hương - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị - bày tỏ băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau. Việc ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp phải làm sao thống nhất về nội dung và có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường, giáo viên có định hướng dạy học, ôn tập cho học sinh.
Theo bà Hương, hiện có những nội dung kiến thức mỗi bộ SGK lại trình bày, diễn đạt khác nhau. Việc ra đề thi trong bối cảnh này cần đạt được tính phù hợp chung cho tất cả học sinh và tính phân hóa. Đề thi minh họa công bố rộng rãi cũng cần được ổn định ít nhất trong thời gian 5 năm.
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khi trao đổi tại hội thảo cũng bày tỏ băn khoăn khi trong kỳ thi năm tới có những môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp. Học sinh học nhiều bộ SGK khác nhau.
Về việc này rất cần bộ có định hướng cụ thể, trong đó xác định phạm vi tài liệu ôn tập để giáo viên hướng dẫn học sinh. Một số ý kiến đề đạt Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tập huấn việc xây dựng câu hỏi thi cho thư viện câu hỏi thi, nhất là các môn mới như tin học, công nghệ.
Bà Hà Thị Khánh Vân - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ với chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, học sinh phải lựa chọn nhóm môn học theo định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 và ở kỳ thi tốt nghiệp cũng sẽ phải lựa chọn các môn thi phù hợp.
Điều nhiều phụ huynh và các nhà trường băn khoăn là không rõ từ năm 2025, các tổ hợp xét tuyển đại học sẽ thay đổi như thế nào. Liệu thay đổi đó có phù hợp với thực tế đã thay đổi ở trường phổ thông để tạo điều kiện cho học sinh được dự thi, dự tuyển theo những môn học đã được chọn và học chuyên sâu từ lớp 10 hay không? Để học sinh có định hướng học tập, các cơ sở đào tạo cần có đề án tuyển sinh sớm cho lứa học sinh dự tuyển năm sau.
Theo bà Khánh Vân, với học sinh lớp 12 từ năm học tới, sẽ có hai cái mới phải đối diện là nội dung thi mới, phương thức thi mới. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp cũng như tuyển sinh rất cần có bước đệm để không gây khó khăn cho học sinh.
Một kỳ thi nhiều mục tiêu
Ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 vẫn đảm bảo một kỳ thi nhiều mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục và cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Việc xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xây dựng câu hỏi thi dựa vào yêu cầu cần đạt
Trao đổi lại với lãnh đạo các sở GD-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết tuy học sinh học chương trình GD phổ thông 2018 có nhiều bộ SGK khác nhau nhưng việc dạy học, kiểm tra đánh giá đều dựa vào yêu cầu cần đạt của môn học. Và việc xây dựng câu hỏi thi cũng dựa vào yêu cầu cần đạt cụ thể.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng tới đây sẽ phải tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy và học, ôn tập cho học sinh để các em có thể đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá và thi tốt nghiệp theo cách đo lường mới.
Những thay đổi liên quan đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được thảo luận tại hội thảo ngày 11-3.