Đọc thêm về vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY
Thế chấp khách sạn 5 sao để vay 15.000 tỉ của ông Trần Bắc Hà cứu SCB?
Kể về gia thế của gia đình, bà Trương Mỹ Lan cho biết mẹ bà tên là Kha Yêu, là tiểu thương chợ Bến Thành, bán mỹ phẩm và nhiều mặt hàng khác.
Năm 1992 Nhà nước cho phép thành lập công ty TNHH. Lúc đó mẹ bà đã tích lũy được một số tài sản, vàng bạc, nhà cửa để bà có nền tảng kinh tế tốt.
Đồng thời, năm 1992 bà gặp chồng bà khi ông đi đầu tư, hai người nên duyên và chọn ở lại Việt Nam đầu tư. Bà Lan cho biết bà muốn làm nhiều việc phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Về việc hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, bà Lan cho rằng ngân hàng nhà nước mời nhiều người nhưng người ta không muốn vào nên vận động bà.
"Tôi từ chối rất nhiều lần vì tôi không biết và không thích ngân hàng nhưng làm vì bộ mặt đất nước nên tôi tham gia. Tôi chỉ làm 3 việc là cho mượn tài sản, kêu gọi đối tác nước ngoài, kêu gọi cổ đông không quậy phá.
Lúc đó tôi có khách sạn Windsor là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam nổi tiếng tại quận 5 nên đồng ý cho mượn tài sản. Khách sạn Windsor là tài sản có ý nghĩa của gia tộc tôi" - bà Lan khai.
"Khi tôi đồng ý tôi đã thế chấp khách sạn Windsor để vay anh Trần Bắc Hà 15.000 tỉ, anh Bắc Hà đi vay ngân hàng nhà nước cho SCB.
Mẹ tôi có bao nhiêu vàng bạc, nhà cửa tôi mượn hết để đưa vào SCB. Quá trình điều tra nói tôi thế chấp Windsor để lấy tiền sử dụng, tôi phải nói.
Sau đó anh Bắc Hà rút nên tôi phải giải chấp cho anh Bắc Hà, tôi phải trả cho anh Bắc Hà 15.000 tỉ".
Về cáo buộc thâu tóm cổ phần tại SCB, bà Lan khẳng định cổ phần không phải của bà mà của bạn bè bà.
5 công ty nước ngoài đưa 5 quỹ đầu tư vào (dự án đô thị vệ tinh bắt đầu đi vào hoạt động, làm thế nào để đất bùn sình thành đất kim cương thì mới cứu được SCB).
"Bà có nhớ tên 5 pháp nhân nước ngoài không?"- luật sư hỏi. "Vốn dĩ không phải của tôi nên tôi không biết công ty nào.
Vì gia tộc chúng tôi sống giản dị, uy tín mấy chục năm nay nên chúng tôi được tin tưởng, có sức ảnh hưởng lớn, được tôn trọng của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài" - bà Lan nói.
Về việc cáo trạng nêu bà Lan là người có quyền lực, chi phối hội đồng quản trị SCB, bà Lan khẳng định không có hứng thú với ngân hàng nhưng do có nhiều tài sản nên các anh em SCB ngộ nhận. "Tại sao họ không dám nói sự thật rằng tài sản của tôi đem vào chỉ để tái cơ cấu SCB".
Bà Trương Mỹ Lan xin xem xét tội tham ô, đưa hối lộ
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc ở góc độ là cổ đông có ảnh hưởng, bà nhận thức trách nhiệm như thế nào?
Bà Lan nói: "Tôi nói rất nhiều lần dù tôi không có tội đi nữa, tôi vẫn có trách nhiệm. Xin hội đồng xét xử xem xét lại anh em khổ lắm...".
Về việc cáo trạng nêu có nhiều công ty "ma" trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bà Lan cho rằng tất cả các khoản vay đều có tài sản đảm bảo thì làm sao gọi là công ty ma. Còn các công ty khác bà Lan cho rằng không liên quan gì đến Vạn Thịnh Phát và xin hội đồng xét xử xem xét lại.
Bà Lan đề nghị hội đồng xét xử xem xét kỹ về số tiền được cho là bà chiếm đoạt và gây thiệt hại, về tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ.
"Khi tôi mới bị bắt, cơ quan điều tra cho biết SCB mang tài sản thế chấp của ngân hàng đi vay tiền. Tôi xin cho tôi được tại ngoại để giải quyết, tôi rất xót xa, SCB tôi đem bao nhiêu xương máu, tài sản để trong đó. Tôi xin hứa tất cả cổ phần của tôi, bạn bè tôi xin được ủy quyền cho NHNN để NHNN có cổ phần này.
Cho phép tôi chuyển phần 1.000 tỉ của ông Nguyễn Cao Trí đến SCB vì SCB đang rất cần tiền" - bà Lan nói.
Ngoài ra, bà Lan cũng đồng ý đưa 13 tài sản khác ngoài danh mục kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả vụ án.
Bà cho biết năm ngoái có một tập đoàn tài chính đã đồng ý đưa 37 tỉ USD vào SCB. Tuy nhiên, từ khi bà bị bắt và bị cáo buộc tội tham ô thì những người này sợ nên đang chờ kết quả của bản án.
Bà Trương Mỹ Lan nói được tạo điều kiện trong quá trình bị tạm giam
Được hỏi được đối xử như thế nào từ khi bị tạm giam đến nay, bà Trương Mỹ Lan gửi lời cảm ơn đến tòa án, viện kiểm sát và các trại tạm giam đã tạo điều kiện cho bà có môi trường tốt đến nay. Bà Lan nói tôn trọng cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác.
Hôm nay (12-3), các luật sư tham gia phiên tòa sẽ tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).