Những ngày đầu năm, công việc tại khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Hằng, trú thôn Phúc Nhĩ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trở nên tất bật hơn so với bình thường. Theo chị Hằng giải thích, đây là thời điểm giao mùa, dễ phát sinh mầm bệnh nên người chăn nuôi phải chú tâm chăm sóc và áp dụng nhiều biện pháp phòng tránh bệnh.
Trước đây chị Hằng làm công nhân ở miền Nam, chồng chị làm lái xe. Sau nhiều năm bươn ba làm ăn nơi đất khách quê người, chắt bóp được số vốn nhất định, vợ chồng chị Hằng quyết định về quê lập nghiệp. "Ban đầu, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Vì nghĩ mình chưa có kinh nghiệm, nên vợ chồng tôi chỉ nuôi thử nghiệm vài con lợn nái với mục đích lấy công làm lãi. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, chúng tôi quyết định mở rộng quy mô, tăng đàn vật nuôi", chị Hằng cho biết.
Đầu năm 2023, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị Hằng mạnh dạn vay 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống. Nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ, hạn chế mầm bệnh phát sinh, chị duy trì nuôi 25 con lợn nái và lợn thịt.
Khi thực hiện tái đàn, chị Hằng tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn như rau, chuối và các phụ phẩm để chế biến thức ăn tại chỗ, giảm chi phí khi giá cả thức ăn chăn nuôi lên cao. Trong quá trình nuôi, chị luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 4 lứa lợn, đem lại thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm: "Đàn lợn của gia đình tôi được các thương lái chuộng mua bởi chất lượng thịt luôn đạt chuẩn. Ngoài nguồn thức ăn “chuẩn sạch”, tôi còn tự tay làm men tỏi, đạm cá cho lợn ăn để kháng bệnh, hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh".
Khi mô hình chăn nuôi lợn dần ổn định, chị Hằng mạnh dạn trồng và nuôi thử các loại vật nuôi khác. Tận dụng đất vườn đồi, chị bắt tay vào nuôi thử nghiệm dê và bò.
Sau một thời gian tìm tòi, chị Hằng chọn nuôi dê vì nhận thấy đây là vật nuôi tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, có đầu ra và giá cả ổn định. Nhờ sẵn nguồn thức ăn cùng với sự chăm sóc chu đáo nên đàn dê phát triển tốt, sinh sản đều, số lượng tăng nhanh. Hiện chị duy trì nuôi 28 con dê, 4 con bò và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đàn.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao, vợ chồng chị Hằng lại bắt tay vào nuôi thử nghiệm giun quế. Tận dụng diện tích 100m2 đất vườn, chị Hằng mua giống giun quế từ Nghệ An về nuôi.
"Nuôi giun quế rất dễ bởi đây là loại động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ vì thế đã giúp việc xử lý những chất thải từ gia súc gia cầm, phụ phẩm nông nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.
Giun quế phát triển rất nhanh, quá trình nuôi sau 30 ngày là có thể xuất bán. Hiện, số lượng giun quế tại trang trại của chị Hằng chủ yếu bán cho các hộ dân làm thức ăn để câu cá với giá bán trên 100.000 đồng/kg.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chị Hằng dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chị cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Với sự nỗ lực không ngừng, tư hai bàn tay trắng, chị Hằng đã thành công trong chăn nuôi, làm giàu trên vùng đất khó, với doanh thu gần 300 triệu đồng/năm.