Đề xuất trên được ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - nêu ra tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp với tỉnh này diễn ra ngày 12-3.
Theo ông Tam, hiện sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để giải quyết nhu cầu nước ngọt cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mùa hạn mặn.
"Có thể lợi dụng địa hình cao khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ hệ thống sông này về Long An, Tiền Giang với khoảng cách chỉ vài chục cây số", ông Tam nói.
Ngoài ra, những giải pháp khác như đầu tư hệ thống cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông, hệ thống cống ngăn mặn tại hai tiểu vùng Bắc Bến Tre và tiểu vùng Nam Bến Tre.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thời điểm này mặn đã đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa khô đến nay. Mặn đã lấn sâu vào các sông chính cao hơn trung bình nhiều năm từ 5km đến 15km. Theo dự báo, sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhưng thấp hơn hiện tại.
Tại Bến Tre, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách các cửa sông chính từ 52 - 64km, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá cao công tác phòng, chống hạn mặn của tỉnh Bến Tre nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị thiệt hại gì đáng kể.
"Qua nhiều đợt hạn mặn lịch sử, người dân đã có kinh nghiệm trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Hiện tại, gần 7.800ha lúa vụ 3 cùng hơn 23.000ha cây ăn trái vẫn chưa bị ảnh hưởng do hạn mặn", ông Hiệp nói.
Hàng chục cống ngăn hạn mặn được đầu tư nhiều năm nay ở tỉnh Kiên Giang nhưng chưa một lần đóng cống đã xuống cấp nặng. Người dân cho rằng việc đầu tư cống ngăn mặn rồi bỏ không suốt thời gian dài gây lãng phí.