Tuy nhiên, việc quản lý tiêu dùng thức uống có cồn cho nhóm độ tuổi chưa đủ 18 trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT), với hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán, lại khá lỏng lẻo.
Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng quy định độ tuổi người mua hàng như thuốc lá, dược phẩm, game, sản phẩm người lớn... cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Chỉ hỏi "lấy lệ", không kiểm tra
Ghi nhận của chúng tôi tại các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada... cho thấy các loại rượu bia được bày bán tràn lan, đa dạng chủng loại từ nội tới ngoại.
Theo số liệu thống kê của các sàn, hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán trên các sàn TMĐT, trong khi con số này ở các hệ thống siêu thị chỉ vào khoảng 60 nhãn hàng.
Trong khi đó, việc mua bán các loại đồ uống này cũng tiện lợi, đơn giản như các loại đồ uống thông thường khác.
Khi nhấn chọn các mặt hàng rượu bia, người mua chỉ nhận cảnh báo "Bạn phải ít nhất 18 tuổi để xem nội dung này".
Sau khi nhấn vào ô "xác nhận", người mua dễ dàng thanh toán và không phải vượt qua bất cứ bước kiểm tra chứng minh độ tuổi nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hãng bia Sabeco cho biết từ năm 2021, hãng bắt đầu tham gia bán hàng trên các kênh thương mại điện tử nhằm bắt kịp khuynh hướng tiêu dùng mua sắm trực tuyến, trong đó có mặt hàng đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, sức mua thực sự bật tăng khi hãng này mở gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT Shopee từ tháng 11-2023.
Nhờ các yếu tố tiện lợi, vận chuyển tận nhà, có nhiều chương trình khuyến mãi... nên sức mua được ghi nhận tăng khủng.
"Đây cũng là kênh bán hàng giúp chúng tôi mở rộng thị phần khi có thể dễ dàng tiếp cận người dùng trẻ. Có đến 85% giới trẻ tìm hiểu về sản phẩm thông qua nền tảng xã hội, sàn TMĐT hay website", vị này cho biết.
Cũng theo vị này, doanh nghiệp đã làm việc với các sàn TMĐT để đảm bảo rằng chỉ người dùng đăng nhập và xác nhận trên 18 tuổi mới có thể tìm kiếm và nhìn thấy các sản phẩm của hãng.
Ngoài ra, các phương tiện thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên các sàn đều được xác thực về độ tuổi của chủ sở hữu.
Đại diện Shopee cũng cho biết sàn này đang áp dụng các hình thức kiểm soát đối với cả người mua lẫn người bán các sản phẩm đồ uống có cồn.
Theo đó, khi người mua tìm kiếm các sản phẩm thuộc ngành hàng "đồ uống có cồn", hệ thống sẽ tự động hiển thị thông báo yêu cầu xác nhận độ tuổi, phải trên 18 tuổi mới đủ điều kiện đặt mua các sản phẩm có cồn.
Người mua cũng được cảnh báo rằng đây là sản phẩm dành cho người trên 18 tuổi và khuyến cáo không được lái xe khi đã uống bia, rượu.
Với người bán, sàn sẽ tiến hành kiểm duyệt thông tin về nồng độ cồn và hạn sử dụng. Đối với rượu có nồng độ từ 5.5 trở lên, người bán cần cung cấp đủ hai loại chứng từ: giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh rượu.
Cần tạo môi trường mua sắm an toàn
Theo dữ liệu về doanh số của các sản phẩm đồ uống có cồn trên Shopee, Lazada và Tiki vừa được công bố, doanh thu của ngành bia và rượu trên các sàn TMĐT tăng mạnh gần đây.
Cụ thể, theo Công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên các sàn TMĐT trong sáu tháng cuối năm 2023 đã tăng 12% so với sáu tháng đầu năm 2023, thời điểm rơi vào dịp Tết Nguyên đán.
Trong đó, các doanh nghiệp bia có kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỉ đồng trong năm 2023.
Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng sàn Shopee, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%, từ vỏn vẹn 34,9 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm đã vọt lên 88,7 tỉ đồng trong sáu tháng cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Phương Lâm, trưởng bộ phận phân tích thị trường TMĐT của Công ty YouNet ECI, cho biết một trong những nguyên nhân thúc đẩy thị trường nước có cồn tăng trưởng kênh online là đến từ khách hàng Millennial hoặc gen Z.
Đối với những nhóm đối tượng này, sự nhanh chóng và tiện lợi sẽ là những nhu cầu thiết yếu. Đặc trưng của TMĐT là có thể đáp ứng được những nhu cầu này với những dịch vụ thanh toán không tiền mặt và giao hàng nhanh.
Vì thế, đây vẫn là nhóm khách hàng chính của mặt hàng nước có cồn trên kênh online.
Theo các chuyên gia bán lẻ, từ khi chuyển sang kênh TMĐT, các hãng bia đã không tiếc tiền tung ra những chiến dịch quảng cáo, chương trình khuyến mãi dồn dập thu hút khách hàng.
Khi kênh mua hàng này đang lớn mạnh, nhà bán hàng cần phải có biện pháp thông tin đầy đủ về sản phẩm để người dùng ra quyết định mua hàng và có ý thức về việc tiêu thụ thức uống có cồn.
"Ngoài ra, các chiến dịch tăng cường giáo dục và nhận thức về tiêu dùng an toàn là một phần không thể thiếu trong việc quản lý thức uống có cồn trên các kênh TMĐT nhằm nâng cao nhận thức về việc tiêu thụ có trách nhiệm và an toàn trong cộng đồng", một chuyên gia khuyến cáo.
Giám đốc một siêu thị ở TP.HCM cũng cho rằng người dân ngày càng có thói quen mua sắm trên sàn TMĐT với những mặt hàng không được bán cho người dưới 18 tuổi.
Do đó, các biện pháp kiểm soát tuổi cần được tăng cường để đảm bảo rằng chỉ những người đủ tuổi mới có thể truy cập và mua các sản phẩm có cồn.
Cùng với đó, cần có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn việc bán hàng cho nhóm độ tuổi không phù hợp.
"Một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà quản lý kênh TMĐT là tạo ra một môi trường mua sắm an toàn, đặc biệt là đối với người mua dưới 18 tuổi. Và quy trình hiện nay là chưa đủ đảm bảo yêu cầu trên", vị giám đốc này nói.
Nhiều quốc gia kiểm soát chặt
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các mặt hàng được bán trên các nền tảng TMĐT có quy định độ tuổi khác nhau tùy theo loại sản phẩm và quy định pháp luật của từng quốc gia.
Với mặt hàng rượu bia, hầu hết các nước có quy định độ tuổi tối thiểu, thường là 18 hoặc 21 tuổi. Tương tự, thuốc lá và sản phẩm thuốc lá điện tử cũng được quy định độ tuổi tối thiểu.
Thậm chí, chính phủ một số nước còn quy định bán nước có cồn theo giờ nhằm hạn chế tính có sẵn của mặt hàng này, như ở Thái Lan quy định đồ uống có cồn chỉ được phép bán cho người đủ 20 tuổi với thời gian 11h-14h và 17h-0h đêm mỗi ngày.
Một số sản phẩm dược phẩm có thể có quy định độ tuổi tối thiểu để mua, đặc biệt là những sản phẩm có thành phần hoạt chất mạnh.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi: "Nhìn mặt bán hàng"
Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử, việc mua bán trực tiếp các mặt hàng không dành cho người dưới 18 tuổi cũng diễn ra một cách dễ dàng, chưa được kiểm soát dù đã có quy định.
Dạo một vòng các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 khu vực TP.HCM - địa chỉ quen thuộc được giới trẻ chọn làm nơi "đổi gió" để học tập hoặc chạy deadline, các
loại đồ uống có cồn được bày bán đa dạng chủng loại và mẫu mã, vừa túi tiền. Phổ biến nhất có thể kể tới các loại bia và rượu Soju, các loại nước trái cây lên men có cồn...
Tuy phục vụ đối tượng chính là người trẻ nhưng quy trình bán rượu, bia tại các cửa hàng tiện lợi vô cùng lỏng lẻo, không khó để mua được các đồ uống có cồn.
Nhân viên cửa hàng chủ yếu chỉ nhìn mặt bán hàng, không quá quan tâm vấn đề tuổi tác, càng không yêu cầu chứng minh hay vượt qua bất kỳ bài kiểm tra nào về tuổi để có thể mua rượu, bia.
Bà Mai Thu Ngọc, cửa hàng trưởng của một cửa hàng tiện lợi trên đường Hai Bà Trưng, cho hay nếu khách mua mặc đồng phục học sinh, cửa hàng nhất định sẽ từ chối bán hàng. Không bán đồ có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi là quy định được cửa hàng hướng dẫn, đào tạo cho tất cả nhân viên.
Tuy nhiên, nếu các em học sinh mặc đồ bình thường rất khó đoán, chỉ trường hợp nào có gương mặt "quá non" mới được nhân viên yêu cầu kiểm tra chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
"Dù cố gắng hạn chế song nhiều thời điểm cửa hàng đông khách nên nhân viên cũng khó lòng kiểm soát hết được", bà Ngọc thừa nhận.
Tại một cửa hàng tiện lợi khác trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), khi nghi ngờ người dưới 18 tuổi mua rượu, nhân viên cửa hàng chỉ hỏi "Chắc chắn đã đủ 18 tuổi rồi phải không?" chứ không yêu cầu chứng minh thêm.
Việc mua bán rượu một cách dễ dàng cũng diễn ra tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, chỉ số ít các chủ kinh doanh và nhân viên đặt nghi vấn về độ tuổi của khách hàng khi mua rượu, bia.
Lê Thị Linh Chi (23 tuổi), từng làm nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Gò Vấp, chia sẻ dù được yêu cầu không bán rượu, bia, thuốc lá... cho người dưới 18 tuổi nhưng khi khách đông cùng áp lực doanh số nên thường xuyên bỏ qua bước kiểm tra độ tuổi đối với mặt hàng cấm người dưới 18 tuổi này.
"Đặc biệt, các loại đồ có cồn nhẹ như Soju, nước trái cây như Strongbow chủ yếu được các bạn gái mua nên thường xuyên "quên" kiểm tra", Chi chia sẻ.
Chưa kể nhiều gia đình vẫn giữ thói quen sai trẻ đi mua bia rượu gần nhà, thậm chí mua cả thuốc lá. Khi người bán từ chối, chính phụ huynh gọi điện cho người bán làm khó.
Dọc đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), người trẻ tụ tập tại các quán nhậu sôi động, đông đúc nhưng rất ít các chủ kinh doanh quan tâm tuổi tác của các "thượng đế".
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành hàng bia, rượu, đồ uống có cồn đã đạt mức tăng trưởng 154% trên sàn thương mại điện tử Shopee.