Luôn ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trước tình hình đó, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, từng bước triển khai. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Quang cảnh Hội nghị
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi ngân hàng xác định luôn luôn đồng hành với thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng. Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Phó Thống đốc khẳng định, bất động sản luôn là vấn đề được NHNN quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường này phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì thế, trong nhiều chính sách của NHNN đều dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các NHTM… "Đó là những giải pháp rất tích cực, quyết liệt, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với riêng chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc cho biết, là nguồn vốn của các NHTM. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. "Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.
Tại Hội nghị này, Phó Thống đốc mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì triển khai Chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD hướng dẫn các ngân hàng triển khai chương trình từ 01/4/2023. Theo đó, căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ do Bộ Xây dựng hướng dẫn tại văn bản 1551/BXD-QLN, các NHTM cho vay theo cơ chế hiện hành. NHNN cũng đã quy định rất rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn. Có thể nói đây là Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình.
Ngay sau khi ban hành văn bản hướng dẫn, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN và 04 văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh và TCTD tích cực triển khai cho vay đối với chương trình 120.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt để triển khai quyết liệt chương trình 120.000 tỷ đồng.
Với những giải pháp đã thực hiện, bước đầu, Chương trình đã có một số kết quả sau: Qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế báo cáo tại Hội nghị
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 07 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 02 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 01 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 08 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 03 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay. Về phía NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hơp với thực tế triển khai. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 33/NQ-CP. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình, mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung Chương trình tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.
Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi NHNN ban hành Chương trình này, ngân hàng đã nhanh chóng thực hiện chương trình, sản phẩm công bố rộng rãi tới khách hàng. Đến thời điểm hiện nay, Vietcombank đang tiếp cận 21 dự án, gồm cả dự án đã đủ điều kiện pháp lý và các dự án đang hoàn thiện pháp lý. Hiện đã ký kết hợp đồng tín dụng với 01 khách hàng, tổng quy mô vay vốn khoảng 500 tỷ đồng, dư nợ chưa phát sinh. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 là 50 tỷ đồng, hết năm 2024 là 900 tỷ đồng. Về phía Vietcombank rất mong muốn được cho vay nhưng các dự án để có đủ điều kiện về pháp lý và có đủ kiều kiện vay đang gặp khó khăn. Thời gian qua, Vietcombank tích cực phối hợp với khách hàng và cùng hoàn thiện thủ tục. Về phía Vietcombank và các NHTM rất mong muốn tham gia Chương trình này.
Theo Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, ngân hàng mong đươc tiếp cận với khách hàng để cho vay, rất cần có dự án, có khách hàng để giải ngân. Với gói 120.000 tỷ đồng, khi NHNN có văn bản chỉ đạo, BIDV đã khẩn trương triển khai trong toàn bộ chi nhánh. Đã tiếp cận 8 dự án, đã phê duyệt 4 dự án với gần 1.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 96 tỷ đồng. Ngân hàng giục các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không muốn muốn giải ngân, do đang dùng vốn tự có. Theo ông Lâm, đối tượng mua nhà rất hạn chế: cán bộ chưa có nhà; thu nhập; điều kiện khác… nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tích cực triển khai vì đầu ra hạn chế. Chúng tôi mong muốn Bộ Xây dựng tham mưu mở rộng đối tượng. Ngân hàng sẵn sàng tham gia cho các chủ đầu tư tốt, sẵn sàng cho vay 20 năm để cho thuê nhà ở xã hội…
Đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đều đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự hỗ trợ tích cực của các NHTM trong quá trình cho vay và giải ngân các dự án, qua đó giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cần thiết để triển khai các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị
Phát biếu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng phối hợp với ngân hàng cùng với các địa phương cũng rất tích cực đôn đốc, thúc đẩy để triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân. Từ những ngày đầu, có rất ít địa phương quan tâm đến việc này. Tính đến nay, nhiều địa phương đã vào cuộc, chỉ đạo, quan tâm, triển khai từ việc dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội đến vấn đề thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư, quyết định triển khai dự án đầu tư. Cùng với đó là đôn đốc, lựa chọn các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia, dù nhiều doanh nghiệp trước đây cho biết là chưa từng nghĩ đến việc làm nhà ở XH. Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm triển khai đã có 499 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong đó, hoàn thành 71 dự án với 37 ngàn căn và số lượng đã khởi công xây dựng là 127 dự án/107 ngàn căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận đầu tư là 301 dự án, quy mô là 265 ngàn căn. Sau hơn 01 năm khi Thủ tướng ban hành Đề án, rõ ràng các địa phương, doanh nghiệp tích cực vào cuộc để thực hiện Chương trình nhà ở xã hội giai đoạn từ nay đến 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đa số các ý kiến tại Hội nghị của doanh nghiệp, Ngân hàng, các trình tự thủ tục đầu tư dự án còn nhiều và dài. Bộ Xây dựng đã tiếp thu và được xử lý trong Luật Nhà ở sửa đổi vừa qua. Ông Sinh cho biết thêm, trong đợt này, tại Dự thảo hướng dẫn và phát triển nhà ở xã hội, ở Nghị định hướng dẫn mà Chính phủ tới đây sẽ ban hành, Bộ Xây dựng sẽ đưa một trình tự đầu tư, hướng dẫn, trình tự đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng tiếp thu để triển khai gói 120 ngàn tỷ tích cực hơn nữa ,đồng thời tích cực đốc thúc nhắc nhở các địa phương.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp cho thấy ,để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Phó Thống đốc một lần nữa nhấn mạnh, Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được thực hiện từ nguồn vốn của chính các NHTM, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách. Điều này thể hiện sự nỗ lực đồng hành, hỗ trợ rất lớn của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án và khách hàng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư.
Qua báo cáo của các đại biểu cũng cho thấy, các NHTM đã tích cực triển khai Chương trình, tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình cho thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: về nguồn cung, về pháp lý, về phía người mua nhà.
Thực tế triển khai cho vay đối với người mua nhà ở xã hội tại NHCSXH, đơn vị đang thực hiện cho vay người mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100 cho thấy việc cho vay với đối tượng này còn gặp nhiều vướng mắc do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, không đủ điều kiện để vay vốn tín dụng chính sách xã hội, chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm… Vì vậy, đến thời điểm kết thúc giải ngân Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (đến hết năm 2023), thì chưa giải ngân hết số vốn được bố trí cho Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100.
Để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị tại NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lãi suất trên thị trường để kịp thời đề xuất, báo cáo Lãnh đạo NHNN về lãi suất áp dụng của Chương trình 120.000 tỷ đồng, đảm bảo tính chất hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại Nghị quyết 33/NQ-CP.
Phó Thống đốc yêu cầu, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình có những hội nghị đầy đủ về Gói 120.000 tỷ đồng một cách rõ ràng về cơ chế, chính sách, điều kiện, thủ tục, quy trình, trách nhiệm của cả phía NHTM lẫn các các Doanh nghiệp để hai bên cùng phối hợp triển khai Chương trình này; Các NHTM nhà nước phải phối hợp với chính quyền địa phương để làm sao đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ sớm nhất về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp; NHTM Nhà nước phải nắm rất sát từng dự án, xem có nhu cầu vay hay không vay, vướng mắc ở đâu.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng yêu cầu, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cung cấp và công bố số điện thoại Đường dây nóng để trực, xử lý những vướng mắc của các đối tượng, dự án thuộc đối tượng thuộc Chương trình 120. 000 tỷ đồng.
Đối với các NHTM, Phó Thống đốc yêu cầu có trách nhiệm triển khai tuyên truyền thông qua hệ thống Chi nhánh của mình tới khách hàng; tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo trong hệ thống của mình về cho vay Chương trình này để đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn cần hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đúng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn theo đúng quy định của pháp luật, không đặt ra thêm các điều kiện, yêu cầu không cần thiết, gây khó khăn cho khách hàng. Những trường hợp đủ điều kiện vay vốn, đủ điều kiện được giải ngân mà bị trì hoãn vì lý do này hay lý do kia, nếu doanh nghiệp mà phản ánh thì sẽ xử lý ngân hàng đó. Đây là chủ trương của Nhà nước mà NHTM có trách nhiệm phải triển khai; Đồng thời lưu ý về lãi suất, tài sản thế chấp, vấn đề thủ tục, quy trình xét duyệt sao cho khẩn trương nhất, phù hợp và tạo điều kiện nhất, đặc biệt thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, các buổi trao đổi tháo gỡ vướng mắc giữa các bên;
Đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án, Phó Thống đốc đề nghị quan tâm, nắm bắt và hiểu đầy đủ các thông tin về Chương trình. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tại địa phương; Chủ động tập trung nguồn lực của mình, nguồn lực vốn tự có, vay ngân hàng chỉ là hỗ trợ, tăng cường năng lực tài chính của dự án có tính chất khả thi và như vậy, khi xét duyệt thì NHTM sẽ mạnh dạn hơn; Chia sẻ với NHTM trên quan điểm cộng sinh, bởi NHTM cũng rất mong muốn cho vay các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc yêu cầu, các đơn vị tại NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các TCTD cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN để đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hơp với thực tế triển khai.
Hà My, ảnh: MT
Xem thêm: 734095VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www