vĐồng tin tức tài chính 365

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành Ngân hàng, hướng tới hoàn thành các mục tiêu AEC 2025 vì một khu vực ASEAN đoà

2024-03-13 09:57

Tầm nhìn Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025

Sau gần 10 năm triển khai AEC 2025, khu vực ASEAN đã đạt được các thành tựu ấn tượng. Tổng GDP danh nghĩa của 10 quốc gia ASEAN lên tới 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn gấp đôi so với tổng GDP 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2009. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và thứ 3 tại Châu Á. GDP danh nghĩa bình quân đầu người của ASEAN đạt mức 5.395 USD vào năm 2022, tăng 37,6% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế khu vực được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, đạt 5,5% vào năm 2022, bình quân đạt 4,4%/năm trong giai đoạn 2010-2022. ASEAN dự kiến sẽ trở thành một trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

D:Thuy LinhThuy LinhSLC27th SLCAnnotation 2024-03-07 153652.jpg

Theo số liệu thống kê của trang ASEAN Statistics Web Portal

Hội nhập tài chính trong khuôn khổ AEC 2025

Tài chính - Ngân hàng luôn được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong AEC. Các nước thành viên ASEAN đã cam kết tự do hoá từng phần các hạn chế trong thị trường ngân hàng, bảo hiểm, vốn vào năm 2015 và tiếp tục tự do hóa hơn nữa vào năm 2020. Để đạt được các mục tiêu này, AEC Blueprint 2025 tập trung vào 3 trụ cột: (i) Hội nhập tài chính; (ii) Tài chính toàn diện; và (iii) Ổn định tài chính.

Đối với trụ cột hội nhập tài chính, AEC theo đuổi mục tiêu thiết lập thị trường tài chính có tính kết nối khu vực cao thông qua vai trò của các ngân hàng khu vực, gia nhập sâu vào thị trường bảo hiểm với mức độ phân tán rủi ro cao hơn và duy trì mức độ lưu động vốn cao. Trụ cột tài chính toàn diện tập trung vào giáo dục và phổ biến kiến thức tài chính, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tài chính. Trụ cột ổn định tài chính thực hiện chiến lược tăng cường giám sát và hợp tác hệ thống tài chính- ngân hàng và khuôn khổ giám sát qua biên giới.

D:Thuy LinhThuy LinhSLC27th SLCIMG_1203.jpeg

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng tham dự Hội nghị Uỷ ban cấp cao về hội nhập tài chính khu vực ASEAN (SLC) lần thứ 27 tại Viêng Chăn, LàoTháng 3, Năm 2024

Để hiện thực hóa Kế hoạch AEC 2025, Kế hoạch hành động chiến lược (SAP) đã được xây dựng nhằm đặt ra các mục tiêu và hành động cụ thể đối với từng Nhóm công tác ASEAN và bao gồm các yếu tố chính là: (i) Hành động chính sách; (ii) Mục tiêu định lượng; và (iii) Các mốc thời gian quan trọng. Đồng thời, các Nhóm công tác ASEAN cũng đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động (KPI) làm cơ sở để đo lường mức độ hoàn thành Kế hoạch tổng thể AEC 2025.

Thành tựu hội nhập ngân hàng ASEAN

Kết quả hợp tác trong khuôn khổ hội nhập tài chính – ngân hàng ASEAN đóng góp quan trọng cho việc hướng tới hoàn thành các mục tiêu về hội nhập tài chính ngân hàng của khu vực ASEAN tại AEC Blueprint 2025. Nổi bật nhất là việc cơ bản hoàn thành các KPI về hội nhập tài chính - ngân hàng khu vực ASEAN, trong đó phải kể tới việc tự do hóa hơn nữa luồng lưu chuyển vốn phục vụ các hoạt động thương mại, đầu tư ngày càng trở nên sôi động.

Nhìn lại chặng đường từ khi AEC 2025 được thông qua, lĩnh vực ngân hàng đã đạt được những cột mốc quan trọng trong hội nhập tài chính khu vực thông qua hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN. Các Nhóm công tác đã chủ động, tích cực xây dựng và triển khai các sáng kiến liên quan tới các hoạt động của Ngân hàng Trung ương (NHTW), đảm bảo phát huy tối đa lợi ích, hiệu quả từ các sáng kiến hợp tác, qua đó đóng góp đáng kể vào quá trình hội nhập khu vực ASEAN trong lĩnh vực ngân hàng.

image

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW (AFMGM) tại Chiềng Rai (Thái Lan)Tháng 4 – Năm 2019

image

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN tại Bali, Indonesia Tháng 3 - Năm 2023

image

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN tại Jakarta, Indonesia Tháng 8 - Năm 2023

Nhóm công tác về khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF): Mục tiêu của ABIF là thúc đẩy, tăng cường hỗ trợ kết nối và khuyến khích hội nhập lĩnh vực ngân hàng giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, qua đó gia tăng thương mại, đầu tư nội khối, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển cũng như đối phó với diễn biến tình hình kinh tế ngày càng phức tạp của khu vực và trên thế giới. Nhóm đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác để kịp đạt được các mục tiêu đã đề ra cho năm 2025 như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về kế toán (IFRS 9) và an toàn hệ thống (Basel 3) giữa các nước; thảo luận và xây dựng cơ chế hợp tác xử lý khủng hoảng giữa các cơ quan quản lý, giám sát tiền tệ ASEAN, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng khu vực.

Nhóm Công tác về tự do hóa tài khoản vốn (CAL): Kế hoạch AEC 2025 đặt mục tiêu thúc đẩy tự do hoá tài khoản vốn nhằm khuyến khích lưu chuyển dòng vốn giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện tăng cường hoạt động đầu tư và cho vay trong khu vực. Trong khuôn khổ Nhóm CAL, các NHTW ASEAN ghi nhận vấn đề tự do hóa giao dịch vốn ngày càng được quan tâm và triển khai một cách toàn diện, đa dạng và đa chiều nhằm khai thác tối đa lợi ích từ quá trình lưu chuyển vốn xuyên quốc gia, song song với việc duy trì các biện pháp an toàn thận trọng nhằm đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Với quá trình hoạt động tích cực, Nhóm CAL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong tiến trình tự do hoá tài khoản vốn: hầu hết các quốc gia ASEAN có mức độ tự do tài khoản vốn đạt 80-100%; xây dựng thành công cơ chế báo cáo định kỳ về hiện trạng và kế hoạch tự do hoá tài khoản vốn; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách, trao đổi thông tin về số liệu dòng vốn và biện pháp quản lý dòng vốn giữa các nước thành viên; hoàn thiện khuôn khổ thúc đẩy giao dịch đồng bản tệ trong khu vực; nghiên cứu các sáng kiến nhằm thúc đẩy tài chính bền vững trong lộ trình tự do hoá tài khoản vốn; xây dựng và triển khai chương trình tăng cường năng lực quản lý luồng vốn của các NHTW ASEAN. 

Nhóm công tác về tài chính toàn diện (FINC): Nhiều sáng kiến, hoạt động đã được triển khai để thúc đẩy tài chính toàn diện khu vực ASEAN thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính toàn diện và xây dựng/ triển khai các chiến lược toàn diện tài chính quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ người dân không có khả năng tiếp cận tài chính, tăng mức độ sẵn sàng của hệ sinh tái hạ tầng tài chính toàn diện, tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng của các dịch vụ tài chính đến tất cả các phân khúc xã hội, tăng cường mức độ phổ cập tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Nhóm Công tác về tự do hóa dịch vụ tài chính (FSL): Với mục tiêu đàm phán mở cửa thị trường đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính ASEAN, tự do hóa hơn nữa các luồng dịch vụ tài chính trong khuôn khổ Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS), kể từ khi được thành lập, Nhóm đã nỗ lực cải thiện hơn nữa mức độ đảm bảo về tiếp cận thị trường và các cam kết đối xử quốc gia đối với thương mại dịch vụ với các gói cam kết được cải thiện theo AFAS. Để nâng cao hơn nữa hội nhập dịch vụ, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) đã được ký kết, thay thế cho AFAS và tới nay các thành viên đã đạt được các cam kết quan trọng trong gói cam kết thứ 9 (cuối cùng) về dịch vụ tài chính theo AFAS. Thông qua ATISA, ASEAN đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác pháp lý và minh bạch hơn trong cơ chế dịch vụ, đồng thời chuyển đổi từ phương thức chọn cho sang chọn bỏ trong biểu cam kết. Bên cạnh đó, Nhóm đã hoàn thành việc nâng cấp đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand và hiện đang trong quá trình tiếp tục đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada và Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Nhóm công tác về hệ thống thanh toán ASEAN (PSS): Nhóm PSS được thành lập với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết hệ thống thanh toán khu vực ASEAN theo chuẩn nhằm thúc đẩy các luồng lưu chuyển vốn và hội nhập tài chính, hướng tới việc hình thành một hệ thống thanh toán khu vực hoạt động hiệu quả, an toàn để tăng cường các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán điện tử qua biên giới một cách thuận tiện hơn. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu AEC 2025, trong thời gian qua, Nhóm PSS đã nỗ lực kết nối các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực thanh toán của ASEAN để xây dựng/hoàn thiện rất nhiều các văn bản chung về thanh toán của khu vực, từ đó hình thành hoặc lựa chọn các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung về thanh toán xuyên biên giới của khu vực cũng như thúc đẩy thanh toán nội khối ASEAN. Một số kết quả đáng ghi nhận của Nhóm bao gồm xây dựng Khung chính sách thanh toán ASEAN (APPF), Hướng dẫn thực hiện chính sách thanh toán khu vực (IPG), Hướng dẫn việc thiết lập thanh toán bán lẻ xuyên biên giới theo thời gian thực trong ASEAN (RT-RPS), Tài liệu hướng dẫn các thông lệ tốt về thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới, Khuôn khổ liên thông dữ liệu ASEAN, Phương thức đo lường việc đạt được các mục tiêu G20 về thanh toán xuyên biên giới và Lộ trình kết nối thanh toán xuyên biên giới đa phương ASEAN.

C:Userslinh.nguyenthiDesktop12.jpg

Tình hình triển khai kết nối thanh toán tại khu vực ASEAN

Nhóm đặc trách về tài chính bền vững: Được thành lập vào năm 2021 với mục tiêu thúc đẩy chương trình nghị sự ngân hàng bền vững ASEAN, trong thời gian qua nhiều sáng kiến về tài chính bền vững đã và đang được triển khai như: (i) Xây dựng các Nguyên tắc ngân hàng bền vững ASEAN trong đó bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cho các NHTW tham khảo trong quá trình xây dựng các nguyên tắc ngân hàng bền vững cho từng nước; (ii) Xây dựng Lộ trình xanh ASEAN (ASEAN Green Map) với vai trò là tài liệu hướng dẫn tổng thể cho tất cả các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ASEAN về các hành động và các bước cần triển khai để đạt được các mục tiêu tài chính bền vững trong khu vực; và (iii) Tham gia xây dựng Hệ thống phân loại tài chính bền vững (ASEAN Taxonomy) – một hệ thống phân loại toàn diện và đáng tin cậy cho các hoạt động tài chính bền vững, qua đó giúp thu hút đầu tư và tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực.

Đóng góp của NHNN đối với tiến trình hội nhập ngân hàng ASEAN

NHNN luôn thể hiện vai trò chủ động, dẫn dắt trong tiến trình hợp tác ngân hàng ASEAN thông qua việc đảm nhận các vai trò/vị trí quan trọng trong các tiến trình hợp tác và tích cực phối hợp với các thành viên xây dựng, triển khai các sáng kiến liên quan tới các hoạt động của NHTW với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn AEC 2025. Các dấu ấn nổi bật trong tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ khu vực ASEAN bao gồm:

Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020, NHNN cùng với Bộ Tài chính giữ vai trò chủ trì tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN. NHNN đã đưa ra 02 Sáng kiến hợp tác giữa các NHTW ASEAN, bao gồm: (i) Sáng kiến thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực; và (ii) Sáng kiến các nguyên tắc ngân hàng bền vững. Hai sáng kiến này nhằm hướng tới góp phần hiện đại hóa, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống thanh toán trong khu vực và xây dựng các nguyên tắc cho các ngân hàng thương mại ASEAN với mục tiêu phát triển bền vững không chỉ cho khu vực ngân hàng nói chung mà còn cho nền kinh tế các quốc gia ASEAN nói riêng. Tại các Hội nghị cấp cao, các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế tài chính nội khối trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.

Đảm nhận vai trò Đồng chủ trì các Nhóm công tác ASEAN: Kể từ khi AEC 2025 được thông qua, NHNN đã đảm nhận vai trò Đồng chủ trì của hầu hết các Nhóm công tác ASEAN, qua đó khẳng định tinh thần và trách nhiệm hợp tác đồng thời thể hiện vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các tiến trình hợp tác ưu tiên trong khuôn khổ ASEAN. Trên cương vị Đồng chủ trì, NHNN đã tích cực phối hợp cùng các thành viên đề xuất và triển khai hiệu quả các sáng kiến trong tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN trên cơ sở bám sát các mục tiêu đã đặt ra trong AEC 2025, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn AEC 2025. Kết quả đáng ghi nhận từ các sáng kiến của các Nhóm công tác đã góp phần tăng cường tài chính toàn diện trong khu vực, thúc đẩy tự do hóa hơn nữa tài khoản vốn của các quốc gia ASEAN, tăng cường kết nối hệ thống thanh toán nội khối ASEAN và thúc đẩy các luồng lưu chuyển vốn nội khối, hướng tới mục tiêu kết nối đa phương trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, với việc Đồng chủ trì dẫn dắt các Nhóm công tác, NHNN đã thúc đẩy hoạt động trao đổi chính sách giữa các NHTW thành viên để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tăng cường năng lực trong lĩnh vực ngân hàng.

Thúc đẩy ký kết/tham gia các văn kiện hợp tác khu vực: Nhằm thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch và toàn diện hơn, năm 2023, NHNN đã chủ động và phối hợp với các NHTW ASEAN5 hoàn tất các thủ tục để chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Biên bản ghi nhớ đa phương về hợp tác kết nối thanh toán khu vực. Trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 tại Jakarta, Indonesia, ngày 25/8/2023, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã ký Biên bản ghi nhớ với các NHTW ASEAN5. Biên bản ghi nhớ đề ra kế hoạch, lộ trình và các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trong khu vực, phù hợp với chỉ đạo của các Thống đốc NHTW ASEAN về việc thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới.

D:Thuy LinhThuy LinhSLC27th SLCPTD Hà ký MOU.jpg

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác kết nối thanh toán khu vực với các NHTW ASEAN 5 bên lề Hội nghị cấp cao các Thống đốc NHTW ASEAN tại Indonesia

Tháng 8/2023

Thúc đẩy việc nâng cấp Thỏa thuận hoán đổi ASEAN (ASA): Đây là thể thức cho vay dự phòng nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN khi gặp phải khó khăn về cán cân thanh toán thông qua phương thức bên yêu cầu hoán đổi sử dụng đồng bản tệ để thực hiện giao dịch lấy USD, EURO hoặc Yên Nhật. ASA đóng vai trò là một cơ chế trong mạng lưới an toàn tài chính khu vực bên cạnh Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) của các nước ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. ASA đã được các nước ASEAN ký và có hiệu lực từ ngày 17/11/20001. Năm 2005, các nước ASEAN nhất trí tăng tổng số tiền cam kết của ASA từ 1 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Nhận thấy sự cần thiết phải nâng cấp ASA trong bối cảnh quy mô nền kinh tế của các nước thành viên ASEAN đã thay đổi đáng kể kể từ thời điểm Thoả thuận được ký kết, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các nước thành viên thảo luận việc sửa đổi nâng cấp ASA nhằm nâng cao quy mô và tính sẵn sàng của Thoả thuận.

Tiếp nhận vai trò Đồng chủ trì Ủy ban cấp cao về hội nhập ngân hàng ASEAN (SLC): SLC là kênh điều phối hợp tác ASEAN ở cấp Phó Thống đốc NHTW nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính ngân hàng và thực hiện các mục tiêu của AEC, trong đó trọng tâm là các vấn đề liên quan đến chức năng của NHTW như hội nhập ngân hàng, tự do hoá tài khoản vốn, hệ thống thanh toán bù trừ, tài chính toàn diện, tự do hoá dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực cán bộ NHTW… SLC không chỉ là diễn đàn hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn là cầu nối hiệu quả giữa các lãnh đạo cấp cao của NHTW các nước thành viên ASEAN, giúp tăng cường đối thoại chính sách giữa các NHTW với các tổ chức tài chính quốc tế cũng như kết nối lãnh đạo NHTW với lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính các nước ASEAN.

Tại Hội nghị SLC lần thứ 27 vào ngày 7/3/2024, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã thay mặt NHNN tiếp nhận vai trò đồng chủ trì SLC nhiệm kỳ 2024-2025 cùng với NHTW Indonesia, qua đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với các thành viên ASEAN, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong tiến trình hội nhập ngân hàng trong khu vực, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại đa phương trong lĩnh vực ngân hàng. Đây cũng là cơ hội để NHNN tăng cường kết nối hợp tác với các đối tác quan trọng như lãnh đạo cấp cao của các NHTW, Bộ Tài chính, tổ chức quốc tế… Trên cương vị Đồng chủ trì SLC trong năm bản lề AEC 2025, NHNN sẽ cùng các thành viên rà soát/đánh giá kết quả triển khai AEC 2025 đồng thời xây dựng tầm nhìn, mục tiêu AEC 2025-2030 trong bối cảnh mới với các yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm mới phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 “Đến năm 2045, ASEAN phấn đấu hiện thực hóa về một nền kinh tế thị trường thống nhất và thịnh vượng, với lực lượng lao động có tay nghề cao, được thúc đẩy bởi năng suất và đổi mới, mang tính toàn diện và bền vững.” thông qua các kế hoạch hành động giai đoạn 5 năm.

Dự kiến, các Thống đốc và Phó Thống đốc NHTW ASEAN sẽ nhóm họp chuỗi Hội nghị cấp cao khu vực về tài chính – ngân hàng tại Luang Prabang, Lào từ 2-5/4/2024 để tiếp tục thảo luận và định hướng tiến trình hội nhập ngân hàng – tài chính khu vực khu vực.

Phòng HNĐP – Vụ HTQT

*1 ASA là Điều ước quốc tế

Xem thêm: 122095VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành Ngân hàng, hướng tới hoàn thành các mục tiêu AEC 2025 vì một khu vực ASEAN đoà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools